Cần Thơ không có trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV mà bị nhiễm HIV

HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con trong suốt thời gian thai kỳ, khi sinh và khi cho con bú. Nếu không được điều trị bằng thuốc kháng virus (điều trị ARV), một phụ nữ mang thai nhiễm HIV có khả năng truyền virus này sang con là 15-45%. Tuy nhiên, nếu được điều trị ARV và áp dụng các biện pháp can thiệp khác, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể giảm xuống dưới 2%.

Tổ chức Y tế Thế giới và CDC Cần Thơ tổ chức tập huấn điều trị dự phòng lây truyền HIV, giang mai và viêm gan B cho nhân viên y tế (Ảnh chụp tháng 4-2021). Ảnh: H.HOA

Tổ chức Y tế Thế giới và CDC Cần Thơ tổ chức tập huấn điều trị dự phòng lây truyền HIV, giang mai và viêm gan B cho nhân viên y tế (Ảnh chụp tháng 4-2021). Ảnh: H.HOA

Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sơ sinh sinh ra từ các bà mẹ này. Các biện pháp dự phòng lây từ mẹ sang con bao gồm dự phòng nhiễm HIV ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (15-49 tuổi); ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn ở phụ nữ nhiễm HIV và cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho phụ nữ nhiễm HIV suốt đời để duy trì sức khỏe và phòng ngừa lây truyền HIV cho con trong khi mang thai, chuyển dạ, khi sinh và khi cho con bú. Chương trình cũng hỗ trợ thực hành sinh con an toàn, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh phù hợp, dự phòng cho trẻ sơ sinh phơi nhiễm HIV sau khi sinh và trong khi cho con bú bằng thuốc ARV hiệu quả.

Tại TP Cần Thơ, chương trình dự phòng này được triển khai từ năm 2009, việc tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai đã được mở rộng đến các trạm y tế, bệnh viện, Trung tâm Y tế. Khi phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV, cán bộ y tế tư vấn, kết nối chuyển gửi thai phụ đến các Phòng khám Ngoại trú nhằm tiếp cận điều trị ARV sớm. Các can thiệp về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được lồng ghép vào hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ngoài ra, từ cuối tháng 6-2020 đến nay, tại 4 quận, huyện của TP Cần Thơ: Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Ô Môn và Thốt Nốt, phụ nữ khi đến khám thai ở các trạm y tế, được tư vấn, lấy máu xét nghiệm nhanh 3 bệnh: HIV, giang mai và viêm gan B. Nhờ triển khai tích cực chương trình dự phòng lây từ mẹ sang con nên những năm gần đây, Cần Thơ không có trẻ nào sinh ra từ mẹ nhiễm HIV mà bị nhiễm HIV.

Theo thống kê của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, trong 4 tháng đầu năm 2021, các cơ sở y tế đã tư vấn xét nghiệm HIV cho 3.826 phụ nữ mang thai, trong đó phát hiện 9 trường hợp nhiễm HIV (2 trường hợp phát hiện giai đoạn đang mang thai và 7 trường hợp phát hiện trong giai đoạn chuyển dạ). Trong 9 trường hợp được phát hiện, có 4 trường hợp ở TP Cần Thơ, còn lại là ngoài tỉnh khác đến Cần Thơ sinh con. Số phụ nữ mang thai nhiễm HIV đang được điều trị ARV trên địa bàn thành phố là 15 trường hợp.

Vừa qua, CDC Cần Thơ cũng đã ban hành kế hoạch triển khai “Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” năm 2021 với chủ đề “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”. Tháng cao điểm diễn ra từ ngày 1-6 đến ngày 30-6-2021, tập trung tuyên truyền về lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; lợi ích của điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; lợi ích của theo dõi tải lượng HIV đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV để sinh ra những đứa con khỏe mạnh; quảng bá các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại địa phương… Tuyên truyền còn để giảm kỳ thị, phân biệt đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

CDC Cần Thơ cũng đề nghị các Trung tâm Y tế xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể triển khai các hoạt động truyền thông hưởng ứng Tháng cao điểm với nguồn lực sẵn có của từng địa phương, đơn vị; chỉ đạo, hỗ trợ, giám sát các trạm y tế tổ chức hoạt động của tháng cao điểm, đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ tại trạm, cung cấp dịch vụ về kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ nói chung và phụ nữ nhiễm HIV nói riêng, lồng ghép hoạt động tư vấn về phòng lây truyền mẹ con và lấy mẫu máu xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai vào hoạt động tiêm chủng, tập trung tư vấn để phụ nữ mang thai được xét nghiệm trong 3 tháng đầu thai kỳ; phối hợp theo dõi phụ nữ mang thai nhiễm HIV tại cộng đồng và chuyển tiếp mẹ và trẻ đến các phòng khám ngoại trú người lớn và trẻ em.

H.GIANG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/can-tho-khong-co-tre-sinh-ra-tu-me-nhiem-hiv-ma-bi-nhiem-hiv-a134100.html