Cần Thơ khai mạc Diễn đàn Quốc tế phát triển bền vững ĐBSCL

Sáng 29/11/2024, UBND TP. Cần Thơ phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ khai mạc Diễn đàn Quốc tế Phát triển bền vững ĐBSCL (SDMD) lần II/2024 với chủ đề: 'Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa: Động lực cho phát triển bền vững ĐBSCL'.

Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển phát biểu khai mạc Diễn đàn SDMD

Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển phát biểu khai mạc Diễn đàn SDMD

Phát biểu khai mạc, ông Dương Tấn Hiển - Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Cần Thơ cho biết, Diễn đàn quốc tế SDMD tổ chức 2 năm một lần. Năm 2024 với chủ đề Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa: Động lực cho phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những hoạt động giúp thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố Cần Thơ với các tỉnh ĐBSCL và các viện, trường.

Diễn đàn không chỉ là nơi để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm mà còn là kết nối các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp…cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, thành tựu, thách thức và giải pháp sáng tạo nhằm hướng tới phát triển bền vững.

Mục tiêu của Diễn đàn gồm: (i) Kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế, tổ chức các Tọa đàm và Diễn đàn thường kỳ nhằm cung cấp, chia sẻ thông tin và đề xuất giải pháp phát triển các lĩnh vực trọng yếu của vùng ĐBSCL, góp phần hỗ trợ xây dựng các chủ trương, chiến lược và chính sách phát triển bền vững vùng ĐBSCL tầm nhìn 2045; (ii) Tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan để xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án nghiên cứu và phát triển, góp phần phát triển khoa học công nghệ, kinh tế - xã hội và môi trường của vùng; (iii) Xây dựng trung tâm thông tin và khai thác dữ liệu phát triển ĐBSCL nhằm phân tích, tổng hợp dữ liệu và thông tin; tương tác, chia sẻ thông tin và cung cấp tư vấn góp phần phát triển bền vững ĐBSCL.

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó cục trưởng Cục Công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, tiềm năng nông nghiệp, thủy sản của ĐBSCL rất lớn, nhưng hiện nay công nghiệp chế biến chưa thực sự phát triển nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên để kinh tế nông - thủy sản thật sự trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.

Quá trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước còn chậm, trình độ công nghệ chủ yếu là trung bình và thấp, dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hàng Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước chưa cao.

Diễn đàn là nơi trao đổi, đề xuất các giải pháp sáng kiến để phát triển bền vững ĐBSCL trong giai đoạn tới, theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Trần Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng Trường Bách khoa, Đại học Cần Thơ khuyến nghị, nhằm phát triển tương xứng với tiềm năng về nông nghiệp và thủy sản, ĐBSCL hơn lúc nào hết cần tăng cường đầu tư công nghiệp - hiện đại hóa trong tình hình mới, nhất là không ngừng đổi mới khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tăng cường cạnh tranh trên thị trường quốc tế, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cao phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL theo định hướng của Chính phủ.

Trần Thanh Hùng- Phó Hiệu trưởng Trường Bách Khoa, Đại học Cần Thơ nêu khuyến nghị tại Diễn đàn SDMD lần II/2024

Trần Thanh Hùng- Phó Hiệu trưởng Trường Bách Khoa, Đại học Cần Thơ nêu khuyến nghị tại Diễn đàn SDMD lần II/2024

Trong khuôn khổ Diễn đàn còn có 2 sự kiện chính: Tọa đàm bàn tròn cùng chuyên gia kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển về công nghiệp hóa - hiện đại hóa các lĩnh vực: Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp hiện đại từ Úc, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp từ Nhật bản, Phát triển ngành công nghiệp mới nổi AI, kinh nghiệm từ Đài Loan, Phát triển đô thị thông minh từ Singapore; Phát triển chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ và xuất khẩu lúa gạo ở ĐBSCL và kinh nghiệm phát triển logistics Việt Nam. Đồng thời tham quan các mô hình kinh tế, dự án hiệu quả về Khu công nghiệp, Vườn ươm công nghệ khởi nghiệp sáng tạo, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao và năng lượng tái tạo tại TP. Cần Thơ và tỉnh Trà Vinh.

Là hạt nhân trung tâm của vùng ĐBSCL, thành phố Cần Thơ tận dụng các mối quan hệ và chương trình hợp tác quốc tế song phương và đa phương để xúc tiến đầu tư. Tập trung tiếp cận và mời gọi các công ty xuyên quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực về tài chính, công nghệ tiên tiến đến từ các quốc gia châu Á và châu Âu. Đồng thời, xây dựng danh mục các dự án mời gọi đầu tư, trong đó có mời gọi nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của thành phố.

Thành phố tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hiện hữu, tạo niềm tin với nhà đầu tư vào chính sách đầu tư của thành phố. Thành phố Cần Thơ tương lai sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

"Lãnh đạo UBND thành phố cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư tại thành phố Cần Thơ", Phó chủ tịch thường trực Dương Tấn Hiển nhấn mạnh.

Huy Tự

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/can-tho-khai-mac-dien-dan-quoc-te-phat-trien-ben-vung-dbscl-d231287.html