Cần Thơ đưa công nghệ thông tin vào phổ biến, giáo dục pháp luật

Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp thì việc phổ biến, giáo dục pháp luật cũng phải có nhiều hình thức đổi mới để phù hợp với yêu cầu không được tập trung đông người…

Một trong số giải pháp hữu hiệu là việc xây dựng trang điện tử, ứng dụng công nghệ trước xu hướng của cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.

Thời gian qua, Sở Tư pháp TP Cần Thơ - Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) TP đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, đôn đốc, hướng dẫn trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền PBGDPL.

Trong đó, công tác PBGDPL được quan tâm triển khai theo hướng đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL gắn với công tác xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, ban, ngành, địa phương. Qua đó, tạo sự chuyển biến căn bản trong ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống.

PBGDPL qua truyền thông và trang tin điện tử

Theo Sở Tư pháp TP Cần Thơ, công tác tuyên truyền PBGDPL có nhiều hình thức, như: tuyên truyền miệng, phương tiện thông tin đại chúng, tài liệu… và tuyên truyền thông qua trang thông tin điện tử.

Bà Huỳnh Thái Như Ngọc – Trưởng phòng Phòng PBGDPL (Sở Tư pháp Cần Thơ) cho biết, trong điều kiện hiện nay khó tập trung đông người nên công tác tuyên truyền PBGDPL chủ yếu qua các phương tiện truyền thông. Trong đó, Sở ký kết phối hợp tuyên truyền với đài truyền hình xây dựng chuyên mục tuyên truyền bằng thông điệp, phát sóng mỗi ngày với thời lượng từ 2-3 phút vào ba khung giờ.

Bà Phan Quỳnh Dao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ trao giải cho các cá nhân đạt giải tại cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2020. (Ảnh: STP)

Bà Phan Quỳnh Dao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ trao giải cho các cá nhân đạt giải tại cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2020. (Ảnh: STP)

Đặc biệt, về công tác phòng chống dịch COVID-19, nội dung chính là định hướng kịp thời các vấn đề liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch. Ngoài ra, Sở cũng phối hợp tuyên truyền trên các cơ quan báo chí. Nội dung chính yếu trong sáu tháng đầu năm là tuyên truyền các quy định pháp luật về công tác bầu cử và phòng, chống dịch.

Theo bà Ngọc, một trong những nội dung được quan tâm trong công tác PBGDPL trong tình hình hiện nay là ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, Sở Tư pháp đang xây dựng trang thông tin điện tử về PBGDPL của TP và dự kiến đưa vào vận hành từ tháng 7 tới đây, đưa công nghệ thông tin vào trong công tác PBGDPL theo chỉ đạo của trung ương. Tất cả những gì liên quan đến công tác PBGDPL đều có trên trang này. Trang này còn tích hợp và kết nối với trang điện tử của Bộ Tư pháp.

Sau khi có trang điện tử, sẽ gắn với cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến. Từ nay đến cuối năm, Sở sẽ có kế hoạch cho cuộc thi này trong năm 2021. Trước đó, cuối năm 2020, Sở đã tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về phòng chống tham nhũng. Mặc dù là lần đầu tiên tổ chức nhưng cuộc thi nhận được sự ủng hộ đông đảo của các ban ngành và người dân, với hơn 9.000 người tham gia dự thi hơn 10.000 bài, tỉ lệ người trả lời đúng đạt 72%. Theo bà Ngọc, cuộc thi đáp ứng yêu cầu tìm hiểu pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Đa dạng hơn các loại hình PBGDPL

Tuyên truyền PBGDPL ở TP Cần Thơ ngoài truyền miệng, qua phương tiện thông tin đại chúng, tài liệu thì còn có mô hình Quán Cà phê pháp luật hay Câu lạc bộ (CLB) Pháp luật.

Trong đó, mô hình CLB Pháp luật tiếp tục được củng cố và hoạt động với số lượng 192 CLB. Các CLB Pháp luật tổ chức sinh hoạt được 918 cuộc, có 31.392 lượt người tham dự. Qua đó, tuyên truyền và lồng ghép tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, đối tượng là người nghèo, người khuyết tật, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc, tôn giáo ở cơ sở. Ngoài ra, còn có phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường và thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở…

Một mảng không thể thiếu là PBGDPL cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số trên địa bàn; người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người lao động trong các doanh nghiệp; nạn nhân của bạo lực gia đình và người khuyết tật trên địa bàn TP.

Đánh giá về mô hình Quán Cà phê pháp luật, bà Ngọc cho biết, do chủ trương phải sát nhập các Tủ sách pháp luật nên Tủ sách pháp luật không còn tồn tại như trước đây. Tuy nhiên, đã hình thành mô hình tủ sách pháp luật trong các Quán Cà phê pháp luật.

Hiện Phòng PBGDPL đang đề xuất tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả của mô hình Quán Cà phê pháp luật. Các địa phương có mô hình này cũng tham gia đánh giá xem ở những nơi nào cần và thấy có hiệu quả thì sẽ đề xuất làm tiếp và sẽ hoạt động theo hướng xã hội hóa.

Hơn 8.000 lượt người thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử

Một trong những nội dung nổi bật của công tác PBGDPL sáu tháng đầu năm 2021 là thực hiện tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Trong đó, đáng chú ý là phát động, hưởng ứng cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND” do Bộ Tư pháp tổ chức. TP Cần Thơ có hơn 8.000 lượt người tham gia dự thi.

Đồng thời, TP tổ chức đợt cao điểm PBGDPL phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo kế hoạch đề ra; Biên soạn và phát hành 120.000 tờ gấp tuyên truyền quy định pháp luật về bầu cử như quyền bầu cử và quyền ứng cử; quy định về cử tri và lập danh sách cử tri; quy định về tuyên truyền, vận động bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu…

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/can-tho-dua-cong-nghe-thong-tin-vao-pho-bien-giao-duc-phap-luat-994626.html