Cần Thơ đưa công nghệ 4.0 vào đồng ruộng

Để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0 (thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4), TP Cần Thơ đang tích cực hỗ trợ nông dân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thông qua các chương trình khuyến nông và tranh thủ sự hỗ trợ từ các viện, trường và các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp được Trung ương và các tổ chức quốc tế tài trợ, thành phố từng bước giúp cán bộ quản lý nông nghiệp và nông dân sử dụng các thiết bị, công nghệ mới, nhằm quản lý tốt đồng ruộng, giúp cây trồng đạt năng suất, chất lượng cao.

Thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn tự động được lắp đặt tại CĐL của Hợp tác xã nông nghiệp Hiếu Bình, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: CTV

Thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn tự động được lắp đặt tại CĐL của Hợp tác xã nông nghiệp Hiếu Bình, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: CTV

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết, vừa qua ngành Nông nghiệp thành phố đã đưa thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn tự động (còn gọi là thiết bị IoT: Internet of Things) vào đồng ruộng để giúp đo đạc, thu thập tự động và có độ chính xác cao các thông tin về khí tượng thủy văn, cũng như thông số dữ liệu về đất, nước, tình hình phát triển của lúa… Cụ thể, Cần Thơ đã lắp đặt 1 thiết bị IoT tại mô hình cánh đồng lớn (CĐL) của HTX nông nghiệp Hiếu Bình ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh và 1 thiết bị IoT tại CĐL của Tổ hợp tác sản xuất lúa ở khu vực Tân Phước, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt. Đây là thiết bị do Trường Đại học Cần Thơ lắp ráp và tặng cho ngành nông nghiệp TP Cần Thơ.

Thiết bị IoT không chỉ được lắp đặt các bộ phận cảm biến, đo đạc khí tượng thủy văn... mà còn có các camera để ghi lại hình ảnh thực tế trên đồng ruộng và hệ thống truyền dữ liệu qua sim 3G. Người sử dụng (nhà quản lý, nhà chuyên môn, hộ canh tác) được cảnh báo sớm và phát đáp lại với các diễn biến thời tiết và tình hình phát triển của lúa trên đồng ruộng, nhờ vậy chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc, cảnh báo sớm sâu bệnh, hạn mặn, dự báo năng suất, thời gian thu hoạch phù hợp,...Các thông tin, dữ liệu và hình ảnh do thiết bị IoT cung cấp có thể dễ dàng được chia sẻ và cung cấp cho nhiều người, chỉ cần người đó có các thiết bị kết nối được với mạng Internet (như máy tính, điện thoại thông minh...) được cài đặt phần mềm và có mật khẩu để truy cập.

Giáo sư, tiến sĩ Võ Quang Minh, Trưởng Bộ môn Tài nguyên đất đai, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Đại học Cần Thơ, cho biết: "Thiết bị IoT được đưa vào đồng ruộng giúp thu thập, xử lý thông tin một cách nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm được nhiều chi phí và nguồn nhân lực so với cách cử người đi thu thập thông tin theo kiểu thủ công, phải đi kiểm tra đồng ruộng hằng ngày, hằng tuần. Làm theo kiểu thủ công, muốn nắm được các chỉ tiêu số liệu về đất, không khí, nước... lại phải lấy mẫu đem đi xét nghiệm, tốn nhiều thời gian và chi phí...". Đến nay Trường Đại học Cần Thơ đã hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL lắp đặt được 4 thiết bị IoT gồm: 2 thiết bị IoT tại TP Cần Thơ, 1 tại tỉnh An Giang và 1 tại tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, thiết bị IoT được lắp đặt tại huyện Vĩnh Thạnh của TP Cần Thơ và tại huyện Tri Tôn thuộc tỉnh An Giang có khả năng thu thập, truyền tải 14 chỉ tiêu số liệu khí tượng thủy văn và đất, nước: vận tốc gió, hướng gió, áp suất không khí, ánh sáng mặt trời, chỉ số tia UV, ẩm độ, độ mặn, lượng mưa... Còn thiết bị IoT được lắp đặt tại quận Thốt Nốt thuộc TP Cần Thơ và tại tỉnh Sóc Trăng thu thập và truyền tải 8 chỉ tiêu số liệu. Chi phí để lắp đặt các thiết bị này ở mức khoảng 50-100 triệu đồng/thiết bị.

Thời gian qua, tại CĐL của HTX nông nghiệp Hiếu Bình ở huyện Vĩnh Thạnh và CĐL của Tổ hợp tác sản xuất lúa ở khu vực Tân Phước, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động hội thảo đầu bờ, tập huấn kỹ thuật và trình diễn mô hình ứng dụng cơ giới hóa, áp dụng kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"… Các hoạt động này được Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững Việt Nam (VnSAT) tại Cần Thơ triển khai thực hiện, lồng ghép cùng nhiều chương trình, hoạt động khuyến nông được ngành nông nghiệp thành phố triển khai thường xuyên đã mang đến nhiều hiệu quả thiết thực cho nông dân. Do vậy, khi ngành nông nghiệp thành phố đưa thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn tự động vào lắp đặt trên cánh đồng, nông dân rất ủng hộ và tham gia giữ gìn, bảo vệ thiết bị. Ông Trần Văn Đào, Tổ trưởng Tổ hợp tác CĐL ở khu vực Tân Phước, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: "Nông dân chúng tôi tin tưởng các thiết bị này sẽ giúp thu thập, cung cấp kịp thời các thông tin cần thiết về khí tượng thủy văn để bà con sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng đã lắp đặt các thiết bị bẫy đèn để xác định mật độ rầy nâu và các loại côn trùng di trú, giúp cảnh báo sớm cho bà con cách phòng, trị kịp thời".

Theo ông Đào, được sự hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật từ ngành nông nghiệp và Dự án VnSat, nông dân tại CĐL ở khu vực Tân Phước đã áp dụng ngày càng nhuần nhuyễn các kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", thực hiện gieo cấy tiết kiệm giống, bón phân xịt thuốc theo nguyên tắc 4 đúng và áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật khác, cũng như đẩy mạnh cơ giới. Qua đó, giúp nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo hàng hóa và giảm được chi phí sản xuất nên lợi nhuận có thể tăng thêm 4-5 triệu đồng/ha/vụ.

KHÁNH TRUNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/can-tho-dua-cong-nghe-4-0-vao-dong-ruong-a121462.html