Cần Thơ: Cứu sống sản phụ mắc bệnh tim trong 15 phút

Mới đây, Bệnh viện ĐKTW Cần Thơ vừa phẫu thuật thành công cho sản phụ mắc bệnh tim bẩm sinh nặng kèm bệnh lý hen phế quản trong thời gian 15 phút.

17 giờ 00 ngày 12/02/2020 , Phòng Cấp cứu Sản, Bệnh viện ĐKTW Trung ương Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Bích Như, 29 tuổi (Ngã Năm, Sóc Trăng) được tuyến trước chuyển đến trong tình trạng hồi hộp, mệt, nhịp tim 140 lần/phút được chẩn đoán: thông liên nhĩ, tăng áp phổi nặng/ mang thai tuần 39.

Được biết sản phụ có tiền sử bệnh tim là thông liên nhĩ và hen phế quản khoảng 2 năm trước nhưng không điều trị. Trong thời gian mang thai sản phụ thỉnh thoảng có những cơn mệt, hồi hộp và tự hết nhưng không đi khám chuyên khoa tim mạch.

Trước một ngày dự sinh, sản phụ thấy mệt nhiều nên đến khám tại một bệnh viện chuyên khoa sản - nhi để được nhập viện. Sau khi tiếp nhận và thăm khám phát hiện đây là trường hợp nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi nên chuyển tuyến đến Bệnh viện ĐKTW Cần Thơ.

Bé gái nặng 3kg đã được chào đời trong niềm vui của các thầy thuốc

Bé gái nặng 3kg đã được chào đời trong niềm vui của các thầy thuốc

Xác định đây là trường hợp bệnh nặng nên các bác sĩ tiến hành hội chẩn cấp cứu với nhiều chuyên khoa gồm: Khoa Sản, Tim mạch, Hô hấp và Gây mê Hồi sức với chẩn đoán: mang thai lần 2, thai 39 tuần, vết mổ lấy thai cũ sớm/ ối vỡ sớm trên sản phụ có thông liên nhĩ kích thước to, tăng áp phổi nặng, hen phế quản. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cấp cứu về sản khoa với tiên lượng nặng, nguy cơ phẫu thuật cao.

Ê kíp phẫu thuật do TS.BS. Lâm Đức Tâm - Khoa Sản, BSCKII. Thái Đắc Vinh - Khoa Gây mê hồi sức đã tiến hành phẫu thuật lấy thai cấp cứu cho sản phụ. Sau 15 phút, các bác sĩ đã đón 1 bé gái nặng 3.000g khóc tốt, thực hiện da kề da và được chuyển ngay đến Phòng Dưỡng nhi chăm sóc.

Sau mổ bệnh nhân tỉnh, dấu hiện sinh tồn ổn định, đang được điều trị tại Khoa Sản. Mẹ và bé hiện tại ổn định.

Theo BS.CKII Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc chuyên môn - Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện ĐKTW Cần Thơ cho biết: Bệnh lý tim bẩm sinh có tần suất khoảng 0,8-0,9% dân số chung. Bệnh lý tim mạch gặp ở 0.4 – 2% các trường hợp có thai. Trong đó, bệnh lý tim bẩm sinh chiếm 75 – 82%, riêng nhóm tim bẩm sinh luồng shunt trái – phải chiếm tỉ lệ 20 – 65%. Nguy cơ biến chứng cho mẹ ở bệnh nhân tim bẩm sinh khoảng 12 % (bao gồm các rối loạn nhịp tim, suy tim, tử vong), với tỉ lệ sẩy thai, thai lưu, thai chậm phát triển, trẻ thiếu tháng và tử vong con sau sinh cộng dồn khoảng 4 %, nguy cơ càng cao ở các thai phụ có tổn thương bẩm sinh của tim phức tạp, chức năng thất trái giảm nặng và có tím. Một thai kì ở người có tim bẩm sinh được xem là thai kì nguy cơ cao cho cả mẹ và thai nhi.

Chính vì sự nguy hiểm của bệnh tim bẩm sinh cho cả mẹ và con, các phụ nữ trước khi dự định mang thai được khuyến cáo nên đi khám tầm soát các bệnh lý TBS thường quy.

Nếu như phát hiện bệnh lý tim bẩm sinh, các phụ nữ này sẽ được bác sĩ đánh giá nguy cơ dự đoán của thai kì và khả năng mang thai, từ đó tùy từng trường hợp cụ thể sẽ được lên lịch theo dõi và làm xét nghiệm riêng biệt.

Những phụ nữ mắc bệnh tim trong thai kỳ, cần được bác sĩ tim mạch và bác sĩ sản khoa theo dõi chặt chẽ sức khỏe trong suốt quá trình mang thai.

Phụ nữ có bệnh tim mạch cần làm gì trước khi chuẩn bị có thai và trong lúc mang thai?

Khám tư vấn với bác sĩ chuyên khoa tim mạch và chuyên khoa sản ở bệnh viện tuyến trên trước khi mang thai: tư vấn về nguy cơ cho mẹ và con, cách theo dõi, chọn nơi sanh, theo dõi sau sanh và thay đổi thuốc phù hợp trong thai kỳ.
Tư vấn với chuyên gia về di truyền, làm các xét nghiệm di truyền để đánh giá nguy cơ di truyền cho con nếu mẹ có bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh tim có nguy cơ di truyền cho con
Siêu âm tim, điện tâm đồ.
Đo độ mờ da gáy khi thai 11-12 tuần.
Siêu âm tim thai khi thai 19 – 22 tuần. (xác định được 45% trường hợp tim bẩm sinh trong bào thai).
Siêu âm tim mẹ khi mang thai được 5 và 7 tháng để dự trù can thiệp tim mạch (nếu cần) trước sinh và chuẩn bị nơi sinh.
Trong tháng cuối của thai kì, khám thai mỗi tuần. Khi thai 36 tuần, khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch để cho ý kiến về cuộc sanh: sinh thường hay sinh mổ, khi nào cần nhập viện.
Trong lúc chuyển dạ, nếu tình trạng tim mạch nguy cơ cao hoặc không ổn định, cần phối hợp bác sĩ sản, bác sĩ tim mạch, bác sĩ gây mê hồi sức, bác sĩ nhi khoa để điều trị cho mẹ và chăm sóc cho em bé ngay khi ra đời.

Đối với những bệnh nhân bị tim mạch khi mang thai, việc khám thai định kỳ là điều vô cùng cần thiết, giúp bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và quá trình phát triển của thai nhi.

Để giảm thiểu các nguy cơ, những phụ nữ mang thai bị bệnh tim phải được sinh trong một bệnh viện có chuyên khoa tim mạch.

Anh Văn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-tho-15-phut-cuu-song-san-phu-mac-benh-tim-n168949.html