Cần Thơ chủ động phòng tránh bệnh cúm gia cầm

Ngày 20-2, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng đã chủ trì cuộc họp bàn giải pháp chủ động phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chỉ đạo, để phòng tránh nguy cơ dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, các sở, ngành thành phố và địa phương cần làm tốt công tác quản lý chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và tuyên truyền để người dân tích cực phối hợp cùng ngành chức năng thực hiện tốt các giải pháp phòng bệnh...

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp với các sở ngành thành phố và địa phương bàn giải pháp chủ động phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp với các sở ngành thành phố và địa phương bàn giải pháp chủ động phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

Nguy cơ xảy ra bệnh cúm gia cầm

Đầu năm 2020 đến nay, TP Cần Thơ chưa xảy ra bệnh cúm gia cầm. Song, trong bối cảnh gia cầm thường xuyên được vận chuyển, đưa đi tiêu thụ giữa các địa phương và hiện đã có xảy ra bệnh cúm gia cầm tại một số địa phương trong nước thì Cần Thơ cũng dễ đối mặt với nguy cơ có thể xảy ra bệnh cúm gia cầm.

Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Năm 2019, cúm gia cầm đã xảy ra tại 70 hộ chăn nuôi thuộc 24 tỉnh, thành ở nước ta, với 133.000 con gia cầm phải tiêu hủy. Đầu năm 2020 đến ngày 11-2-2020, cả nước cũng đã có 10 ổ dịch cúm gia cầm tại 4 tỉnh, thành là Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An và phải tiêu hủy trên 55.000 con gia cầm. Đáng chú ý, ngày 14-2 tại tỉnh Trà Vinh đã xảy ra 2 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 trên gà và vịt”. Tại TP Cần Thơ, vào tháng 7-2019, bệnh cúm gia cầm H5N1 xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi gà thuộc phường Long Hòa, quận Bình Thủy, với tổng đàn bị bệnh chết và buộc phải tiêu hủy toàn bộ là 1.500 con. Ngành nông nghiệp thành phố và quận Bình thủy đã kịp thời khoanh vùng, xử lý dứt điểm và khống chế được dịch bệnh. Từ đó đến nay, trên địa bàn thành phố không phát sinh thêm ổ dịch.

TP Cần Thơ có đàn gia cầm khá lớn, cần phải quan tâm phòng, chống các loại dịch bệnh để tránh thiệt hại, đồng thời cũng góp phần đảm bảo đời sống và sức khỏe cho người chăn nuôi, cũng như cho cả cộng đồng. Đặc biệt, chăn nuôi gia cầm tại thành phố chủ yếu nuôi theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ nên cần phải quản lý, tuyên truyền để người dân chủ động phòng bệnh, nhất là thực hiện tiêm phòng đầy đủ vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm.

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, thành phố hiện có đàn gia cầm hơn 1.864.400 con, trong đó, gà 592.890 con, vịt hơn 1.209.100 con, vịt xiêm và ngỗng hơn 62.400 con. Hiện sản lượng thịt gia cầm đạt 850-950 tấn/tháng. Toàn thành phố đang có khoảng 38.000 hộ chăn nuôi gia cầm, trong đó có 11 cơ sở chăn nuôi gia cầm có quy mô đàn từ 2.000 con trở lên, với tổng đàn 59.600 con, còn lại đa số chăn nuôi nhỏ, lẻ theo quy mô nông hộ. Hiện hộ chăn nuôi gà dưới 50 con chiếm tỷ lệ 94% trên tổng số hộ chăn nuôi gà và chiếm 58,6% tổng đàn gà. Hộ chăn nuôi vịt dưới 50 con chiếm tỷ lệ 81,6% trên tổng số hộ chăn nuôi vịt và chiếm 12,9% tổng đàn. Đáng chú ý, đàn vịt chạy đồng chiếm trên 90% tổng đàn vịt.

Chăn nuôi vịt tại một hộ dân ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Tăng cường tuyên truyền

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Tới đây, các sở, ngành thành phố và địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động phòng ngừa bệnh cúm gia cầm, tránh nó xảy ra gây các thiệt hại cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến các mặt đời sống, kinh tế, xã hội của thành phố. Đặc biệt, cần tổ chức tuyên truyền thật tốt để người dân hiểu, chủ động phòng bệnh và không gây hoang mang, ảnh hưởng việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm. Song song đó, cần tăng cường công tác giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các ổ bệnh, không để lây lan”. Ông Lương Văn Bền, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ, đề nghị: “Cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức và hành động trong phòng, chống bệnh cúm gia cầm, làm sao để tất cả gia cầm phải được tiêm phòng đầy đủ vắc-xin phòng bệnh theo quy định. Đồng thời, các cơ quan chức năng phải kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là tình trạng quăng xác gia cầm và động vật bị chết xuống kênh rạch. Hiện lãnh đạo Công an thành phố cũng chỉ đạo các phòng nghiệp và lực lượng công an địa phương theo dõi, quản lý tốt vấn đề trên”.

Theo bác sĩ Cao Hoàng Anh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, để phòng tránh nguy cơ bệnh cúm gia cầm lây sang người, hiện Sở Y tế thành phố cũng chủ động phối hợp các ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm gia cầm và sản phẩm gia cầm. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để phòng tránh bệnh cúm gia cầm.

Hiện các địa phương trên địa bàn thành phố cũng quan tâm triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm chủ động phòng tránh các thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra do bệnh cúm gia cầm và góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Ông Đoàn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Huyện đã quan tâm triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố và chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể cho địa phương để triển khai ngay từ đầu năm. Tích cực thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch bệnh gia cầm. Triển khai tốt việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm và các công tác tiêu độc, khử trùng. Quản lý, kiểm soát chặt đàn gia cầm trên địa bàn và đàn vịt chạy đồng từ các nơi khác đến, cũng như việc vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ thịt gia cầm trên thị trường. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là trường hợp người nuôi vịt chạy đồng chưa tiêm phòng vắc-xin đầy đủ”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai Nguyễn Thành Út, Thới Lai cũng là địa bàn phát triển về nông nghiệp, có số lượng đàn gia cầm khá lớn, nhất là sau khi xảy ra dịch bệnh tả heo châu Phi, nhiều người dân đẩy mạnh chuyển sang nuôi gia cầm. Thời gian qua, huyện cũng quan tâm triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động phòng tránh dịch bệnh xảy ra trên đàn gia cầm. Huyện đã xác định phương châm “phòng ngừa bệnh là chính” và chủ động xây dựng các kế hoạch để triển khai ngay từ đầu năm. Để quản lý các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, UBND huyện cũng đã chỉ các ban, ngành huyện và UBND các xã, thị trấn phối hợp chặt với ấp, thường xuyên rà soát tình hình nuôi gia cầm và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao ý thức và hành động của người dân trong chủ động phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng nhấn mạnh, chú trọng chủ động phòng bệnh; các sở ngành thành phố, địa phương phải quan tâm vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, khẩn trương, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và phải có sự phối hợp tốt giữa các bên liên quan. Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền để người dân tự ý thức, chủ động phối hợp với ngành chức năng phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Quan tâm hướng dẫn người chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng biện pháp chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh môi trường. Đảm bảo việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho tất cả đối tượng gia cầm thuộc diện tiêm phòng. Tăng cường kiểm tra tình hình chăn nuôi, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, nuôi nhốt và mua bán gia cầm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp
vi phạm...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/can-tho-chu-dong-phong-tranh-benh-cum-gia-cam-a118417.html