Cần Thơ: 4 sản phẩm đầu tiên được chứng nhận OCOP

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, vừa qua, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã trao quyết định công nhận 4 sản phẩm đặc sản đầu tiên đạt chứng nhận OCOP.

Cụ thể, 4 sản phẩm vừa được công nhận xếp hạng OCOP, gồm mắm cá tra, bánh tráng dừa, bánh tráng ngọt, rượu mận Sáu Tia. Cả 4 sản phẩm này đều đã vượt qua vòng đánh giá và xếp hạng sản phẩm do thành phố Cần Thơ tổ chức hồi đầu tháng 6 vừa qua.

Các sản phẩm được đánh giá chất lượng và xếp hạng căn cứ theo Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 8/2019. Mỗi sản phẩm được đánh giá trên thang điểm 100 qua 3 tiêu chí: sản phẩm với sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị và chất lượng sản phẩm; điểm của từng sản phẩm bằng trung bình cộng của số điểm do các thành viên hội đồng chấm. Xếp hạng sản phẩm được đánh giá từ 1 đến 5 sao tương ứng với khung điểm theo quy định.

Bánh tráng là đặc sản truyền thống của làng Thuận Hưng, Cần Thơ

Bánh tráng là đặc sản truyền thống của làng Thuận Hưng, Cần Thơ

Trong đó, 2 sản phẩm mắm cá tra và rượu mận Sáu Tia được xếp hạng OCOP 4 sao; 2 sản phẩm bánh tráng dừa, bánh tráng ngọt được xếp hạng OCOP 3 sao. Giấy chứng nhận xếp hạng sao OCOP do UBND thành phố Cần Thơ cấp và có giá trị trong thời hạn 36 tháng. Đặc biệt, cả 4 sản phẩm được thành phố Cần Thơ trao giấy công nhận OCOP lần này đều thuộc về các hộ sản xuất ở quận Thốt Nốt, Cần Thơ.

Theo Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, ngành Công Thương sẽ xây dựng chiến lược hỗ trợ quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đạt chứng nhận OCOP thông qua kênh thương mại điện tử, kết nối thị trường với 5 thành phố lớn, đồng thời hỗ trợ đơn vị thiết kế website, làm tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ có trách nhiệm hướng dẫn UBND các quận, huyện và chủ sở hữu sản phẩm thực hiện việc sử dụng và in logo, thứ hạng sao được công nhận lên sản phẩm OCOP theo quy định; phối hợp kiểm tra định kỳ hàng năm đối với các sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận; đề xuất xử lý nếu người sở hữu sản phẩm vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu OCOP.

Ngoài ra, các chủ thể sản phẩm OCOP cần tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, cập nhật thêm các chứng nhận cần thiết; xây dựng và quảng bá thương hiệu thông qua các câu chuyện kể để tạo sự khác biệt, nêu bật nét đặc trưng của sản phẩm OCOP thành phố Cần Thơ.

Trang Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-tho-4-san-pham-dau-tien-duoc-chung-nhan-ocop-141351.html