Cần thiết xây dựng Bộ tiêu chí 'Người Quảng Ninh'

Bộ tiêu chí về con người là cơ sở để Quảng Ninh cũng như mỗi địa phương định hướng, đánh giá và điều chỉnh các hoạt động tổ chức và xây dựng con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Lễ hội Tiên Công - lễ rước người độc đáo, tôn vinh đạo hiếu của người Quảng Ninh.

Lễ hội Tiên Công - lễ rước người độc đáo, tôn vinh đạo hiếu của người Quảng Ninh.

Tuy nhiên, hiện nay việc nghiên cứu đề xuất bộ tiêu chí vẫn chưa được tiến hành một cách có hệ thống và chuyên biệt. Vì vậy, công tác nghiên cứu, xây dựng đưa vào thực hiện bộ “Tiêu chí người Quảng Ninh” là vấn đề vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn.

Thực tế trong nước cho thấy, thực hiện các nghị quyết của Đảng về xây dựng hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Yên Bái, Ninh Bình cũng đã tiến hành xác định tiêu chí đặc trưng con người nhằm phát huy các giá trị tốt đẹp trong truyền thống lịch sử văn hóa, khơi dậy lòng tự hào và khát vọng cống hiến của nhân dân.

Đối với Quảng Ninh, Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy nhấn mạnh xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện về đạo đức, lối sống, có lý tưởng, trách nhiệm; trình độ năng lực sáng tạo; có khả năng thưởng thức và sáng tạo cái đẹp; được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh; được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Đây là những định hướng rất cơ bản để xây dựng tiêu chí con người Quảng Ninh hiện nay.

Thi nấu cơm gánh tại lễ hội đình làng Dạ, huyện Ba Chẽ.

Thực hiện Nghị quyết số 11, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động cụ thể. Để thực hiện nhiệm vụ này, UBND tỉnh đã giao cho Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng và đưa vào thực hiện Bộ tiêu chí "Người Quảng Ninh”.

Sở Văn hóa và Thể thao đã chủ trì, phối hợp với Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) thực hiện Đề án "Xây dựng Bộ tiêu chí Người Quảng Ninh" trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (gọi tắt là Bộ tiêu chí Người Quảng Ninh).

Nhiệm vụ của Đề án là nghiên cứu đặc điểm văn hóa con người, vùng đất Quảng Ninh; xác định rõ những nhân tố tác động đến xây dựng con người Quảng Ninh trong bối cảnh kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; định hướng giá trị và chuẩn mực của con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đề án xây dựng bộ tiêu chí cơ bản con người Quảng Ninh cần vươn tới và thực hiện. Từ đó, đề xuất các kiến nghị để tổ chức thực hiện Bộ Tiêu chí trên địa bàn tỉnh.

Đề án nhằm định hướng và tổ chức thực hiện những tiêu chí Người Quảng Ninh, điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi của người Quảng Ninh nhằm xây dựng con người phát triển toàn diện về đạo đức, lối sống, có lý tưởng, trách nhiệm; trình độ, năng lực sáng tạo; có khả năng thích ứng và sáng tạo cái đẹp; được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh; được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Đề án cũng xây dựng bộ tiêu chí cơ bản người Quảng Ninh cần vươn tới và thực hiện; đề xuất các kiến nghị để tổ chức thực hiện bộ tiêu chí này trên địa bàn tỉnh.

Bộ tiêu chí sẽ có nội dung về tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm" của người thợ mỏ.

Dự kiến, Bộ tiêu chí này gồm có 3 chương 17 điều, là cơ sở để làm chuẩn mực định hướng, đánh giá và điều chỉnh các hoạt động tổ chức và xây dựng con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Phạm vi điều chỉnh của Bộ tiêu chí là điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi của người Quảng Ninh, bao gồm tất cả những người sinh sống và làm việc, học tập trên địa bàn tỉnh. Đối tượng áp dụng của Bộ Tiêu chí là các tổ chức và cá nhân sinh sống, làm việc, học tập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, bao gồm: Cán bộ công chức, viên chức, công nhân, nông dân, các lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên, doanh nhân.

Từng bước thực hiện Đề án, ngày 14 và 15/10 vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức liên tiếp tại TX Đông Triều và TP Cẩm Phả 2 cuộc tọa đàm để trưng cầu ý kiến của đại diện cán bộ và các tầng lớp nhân dân đóng góp xây dựng Bộ tiêu chí.

Tại các cuộc tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý xây dựng những nét riêng của người Quảng Ninh ở các vùng, miền khác nhau, bổ sung tiêu chí nghĩa tình, tiêu chí kỷ luật và đồng tâm của thợ mỏ, những tiêu chí ngoại ngữ và công nghệ thông tin cần phù hợp với thực tế hơn.

Nhìn chung, các ý kiến đều đánh giá cao Đề án, góp ý nhiều nội dung mang tính tâm huyết và đã được đơn vị thực hiện tiếp thu để xây dựng để hoàn thiện Đề án.

Quang cảnh buổi tọa đàm tại TX Đông Triều.

PGS.TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, chủ trì tọa đàm, cho biết: Sau cuộc tọa đàm này, những người thực hiện đề án sẽ tiếp tục khảo sát lấy ý kiến nhân dân, điều tra xã hội học, tổng hợp và phân tích số liệu, đánh giá và tiến hành thực chứng tại cơ sở tạo sự đồng thuận của nhân dân. Từ đó, đề xuất kết quả cuối cùng, trình HĐND và UBND tỉnh thông qua, phê duyệt

Dự kiến đến hết năm 2020, Đề án sẽ hoàn thiện và trình Bộ tiêu chí người Quảng Ninh để UBND tỉnh phê duyệt. Sau đó, Bộ tiêu chí sẽ được triển khai rộng rãi trong toàn tỉnh.

Theo đánh giá, Bộ tiêu chí hứa hẹn sẽ có tác động rộng lớn và sâu sắc đối với quá trình xây dựng con người Quảng Ninh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là cơ sở để mỗi người dân Quảng Ninh hướng tới phấn đấu, rèn luyện cả về năng lực, phẩm chất để hoàn thiện nhân cách, trở thành động lực và nguồn lực quyết định sự phát triển bền vững của tỉnh trong thời gian tới.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202011/can-thiet-xay-dung-bo-tieu-chi-nguoi-quang-ninh-2507350/