Cần thiết xây dựng bộ năng lực tối thiểu của giảng viên đại học

Theo GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng, việc chưa có một bộ chuẩn nào cho đội ngũ giảng viên, khiến các cơ sở giáo dục đại học (GD ĐH) gặp không ít khó khăn khi tự xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí riêng trong tuyển chọn nhân sự. Theo ông, đó là những điều cần tính đến trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH hiện nay.

Những đề xuất đúng và trúng

Thưa GS, cho đến thời điểm này, mới chỉ có dự thảo chuẩn nghề nghiệp đối với giảng viên sư phạm áp dụng cho các trường ĐH, CĐSP chứ chưa có chuẩn nào cho đội ngũ giảng viên của các cơ sở GD ĐH nói chung. Điều này có khó khăn gì cho việc nâng cao năng lực giảng viên ở các cơ sở GD ĐH?

Với việc triển khai thực hiện Luật GD ĐH năm 2012, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy định về chế độ làm việc đối với giảng viên theo Thông tư 47/2014 của Bộ GD&ĐT, Thông tư quy định nhiệm vụ của các chức danh giảng viên theo Thông tư liên tịch số 23/2014 giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Nội Vụ. Đây là hai quy định chi tiết về thời gian làm việc, chế độ làm việc, nhiệm vụ và quyền hạn của từng chức danh giảng viên nên các cơ sở GD ĐH khi muốn tuyển dụng giảng viên phải tự ban hành các tiêu chuẩn, tiêu chí riêng để tuyển chọn nhân sự, điều này gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học xây dựng được bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đáp ứng đầy đủ năng lực, mong muốn của đơn vị sử dụng, quản lý giảng viên, đặc biệt như quy định về hạng chức danh nghề nghiệp.

Như vậy, nhằm phát triển đội ngũ giảng viên của mình phù hợp với tình hình mới, cần thiết Bộ GD&ĐT xây dựng một bộ năng lực tối thiểu cần thiết cho giảng viên để các cơ sở GD ĐH áp dụng và xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ của mình bằng cách kết hợp các loại hình đào tạo khác nhau, nhu cầu phát triển ngành nghề đào tạo để phát triển đội ngũ của mình.

Trong dự thảo sửa đổi Luật GD ĐH, ở điều thứ 54 liên quan đến giảng viên, chức danh giảng dạy, trình độ chuẩn của chức danh giảng viên… có quy định trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ ĐH là thạc sĩ trở lên; trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ. GS nhận xét gì về quy định này?

Theo tôi thì quy định “trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ ĐH là thạc sĩ trở lên, trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ” là hợp lý. Thậm chí ở nhiều trường ĐH ở các nước tiên tiến trên thế giới, để được giảng dạy ở bậc ĐH, giảng viên phải có trình độ tiến sĩ.

Như chúng ta đã biết, nhiệm vụ chính của giảng viên giảng dạy bậc đại học không chỉ là giảng dạy mà còn là nghiên cứu khoa học. Các giảng viên có trình độ tiến sĩ đã từng thực hiện việc nghiên cứu khoa học có kết quả trong thời gian làm nghiên cứu sinh nên sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học một cách thuận lợi, còn các giảng viên mới chỉ có trình độ thạc sĩ sẽ có khó khăn hơn trong công tác nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, trong điều kiện nước ta hiện nay, đối với những ngành rất đặc thù, rất khó có giảng viên có trình độ tiến sĩ, đặc biệt là các ngành về xã hội học như ngôn ngữ Hàn Quốc, ngôn ngữ Thái Lan… nên hiện dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GD ĐH mới chỉ nêu “trình độ chuẩn chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên”.

Cơ sở đào tạo phải quyết tâm nâng cao chất lượng đội ngũ

Các cơ sở GD ĐH sẽ phải làm gì để đáp ứng đề xuất như trên, khi mà hiện tại, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là khá thấp?

Đào tạo bậc sau ĐH đòi hỏi giảng viên phải hướng dẫn cho người học khả năng nghiên cứu khoa học, giải quyết tốt các vấn đề từ lý thuyết cho đến thực tiễn, góp phần sáng tạo cái mới cho xã hội. Các giảng viên có trình độ tiến sĩ hoặc cao hơn như GS, PGS mới có thể đảm nhận tốt công việc này nên trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ phải là tiến sĩ.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT cuối năm 2017 tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường đại học là 22,7. Tỷ lệ này thấp hơn so với khu vực và thế giới. Ví dụ Malaysia ngay từ năm 2010 đã là 73%, Sri Lanka năm 2015 là 55%. Vì vậy đòi hỏi các cơ sở GD ĐH phải quyết tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, có các chỉ tiêu chiến lược về trình độ nhân lực và lộ trình cụ thể để từng bước tăng dần tỉ lệ phần trăm giảng viên có trình độ tiến sĩ.

Ngoài trình độ đào tạo, muốn giảng dạy ở bậc ĐH, giảng viên còn phải có năng lực giảng dạy và năng lực nghiên cứu khoa học. Có nên cụ thể hóa điều này để có một bộ chuẩn năng lực tối thiểu của giảng viên các cơ sở GD ĐH không, thưa GS?

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 47/2014 quy định về chế độ làm việc đối với giảng viên. Thông tư này đã quy định cụ thể nhiệm vụ chính của giảng viên là giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đây là quy định nền tảng để các cơ sở GD ĐH ban hành quy định hoặc ban hành bộ chuẩn năng lực áp dụng tại đơn vị mình phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, giảng viên phải báo cáo và được đánh giá kết quả các hoạt động hằng năm của mình bao gồm cả các hoạt động giảng dạy cụ thể lẫn các kết quả nghiên cứu khoa học như kết quả thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, các công trình, bài báo đã công bố trong các tạp chí trong nước và quốc tế, các hội nghị khoa học, sách, giáo trình… Kết quả các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của giảng viên sẽ liên quan đến thu nhập cũng như cơ hội thăng tiến của họ.

Xin cảm ơn GS!

GS.TS Trần Văn Nam

“ĐH Đà Nẵng luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các giảng viên có thể làm nghiên cứu sinh và từng bước nâng cao số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ. Hiện nay, rất nhiều giảng viên có trình độ tiến sĩ của ĐH Đà Nẵng đã từ nước ngoài trở về. Đây là kết quả của một chiến lược dài hạn của ĐH Đà Nẵng, đặc biệt sẽ có nhiều bộ môn chuyên ngành của ĐH Đà Nẵng đến 2020 sẽ có 100% giảng viên có trình độ tiến sĩ”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/can-thiet-xay-dung-bo-nang-luc-toi-thieu-cua-giang-vien-dai-hoc-3928729-b.html