Cần thiết thành lập đồn, trạm Công an ở các cửa khẩu, khu công nghiệp

Tại khoản 3, điều 17 dự thảo Luật CAND (sửa đổi), nêu rõ, 'Để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập các đồn, trạm Công an và các đơn vị độc lập bố trí tại những địa bàn cần thiết'.

Trong phiên thảo luận tại Hội trường về Luật CAND sửa đổi, đa số các đại biểu đều nhất trí với dự thảo vì việc thành lập đồn, trạm CAND rất cần thiết trong công tác bảo vệ an ninh Quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong tình hình hiện nay.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nêu ý kiến: Đồn trạm là quy định cũ, kế thừa Luật năm 2014 và những luật trước đây. Việc thành lập đồn trạm có quy định trong trường hợp cần thiết.

“Tôi xin nêu một ví dụ cụ thể tại sao có lực lượng Công an xã mà vẫn có đồn trạm. Ví dụ, đồn trạm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc đồn trạm tại các cửa khẩu, cảng hàng không. Hiện nay, qua giám sát an ninh hàng không Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đang đề xuất thành lập các đồn công an tại các cửa khẩu này để đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn ở khu vực này theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an, nhất là phòng, chống khủng bố. Chính vì thế, phải thành lập các đồn trạm trong trường hợp cần thiết” – đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng.

Từng sống ở vùng có đồn, trạm Công an, đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) nêu ý kiến “Tôi xin nói rõ để một số đại biểu nói về đồn, trạm công an. Theo các đại biểu là đã có Công an phường, xã thì không quy định đồn, trạm. Nhưng mà ở đây, tôi là người đã được sống ở những vùng có các đồn, trạm công an, tôi thấy rõ. Thứ nhất, đồn, trạm công an thành lập ra ở các khu công nghiệp, khu chế suất, khu phức tạp về an ninh, trật tự, có khi đồn ở sân bay và bến tàu. Thứ hai là hỗ trợ lực lượng an ninh hàng không để đảm bảo an ninh an toàn hàng không tại các đồn trạm.

Qua thực tế hoạt động thì đồn công an đã có từ lâu và các đồn này sau khi thành lập và hoạt động thì vấn đề an ninh trật tự hoạt động theo cơ chế, theo đặc thù của từng khu vực như vậy bởi vì khu công nghiệp rất rộng, do vậy Công an xã, phường không đảm bảo hết được an ninh trật tự ở khu vực này nên thành lập các đồn công an là rất có hiệu quả”.

Cũng nhất trí với quy định thành lập các đồn, trạm ở các địa bàn cần thiết, đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) kiến nghị “Việc Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập các đồn, trạm Công an và đơn vị độc lập bố trí tại những địa bàn cần thiết quy định tại khoản 3 Điều 17, tôi đề nghị Ban soạn thảo có đánh giá tác động về vai trò, vị trí, sự cần thiết của đồn, trạm công an khi được thành lập, quy định rõ địa bàn cần thiết và sự quản lý lãnh đạo đối với những đồn, trạm này, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ để tránh chồng chéo với Công an xã trên địa bàn có đồn, trạm công an và đồn biên phòng”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an có quy định rõ ràng hơn để đồn, trạm Công an không trùng lắp chức năng, nhiệm vụ với các đơn vị xã, phường khác, xã đã có Công an chính quy”.

Bà Nguyễn Thị Minh, xã Đình Xuyên, Gia Lâm, Hà Nội.

Là cán bộ Công ty Samsung, làm việc tại Khu Công nghiệp Yên Phong – nơi đồn Công an KCN Yên Phong đóng quân, anh Nguyễn Sỹ Hạnh cho biết, chúng tôi thấy đồn Công an hoạt động rất hiệu quả, kể cả sau này Công an xã chính quy cũng cần có đồn Công an ở khu vực này vì đây là khu công nghiệp, địa bàn trên nhiều xã. Nếu xảy ra vấn đề về ANTT hay cháy nổ thì chúng tôi biết báo cáo cho xã nào? Trong khi đó, đồn Công an lại ngay trong khu công nghiệp, khi chúng tôi cần, các anh ấy có thể đế ngay để giải quyết.

Bà Nguyễn Thị Minh, trú ở thôn 6, xã Đình Xuyên, Gia Lâm, Hà Nội – nơi đồn Công an Bắc Đuống phụ trách địa bàn cho biết, “Trên địa bàn chúng tôi hiện có nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất gỗ dán dễ gây cháy nổ, trong thời gian cán bộ Công an ở Đồn Bắc Đuống đã phối hợp tốt với chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền về công tác PCCC đến từng hộ dân. Đặc biệt, trên địa bàn, có tình trạng đòi nợ xấu ở các khu dân cư. Các đối tượng này thường đến ép, đe dọa người già trả nợ thay. Khi các cán bộ Đồn Công an Bắc Đuống kịp thời xuống giải quyết, ngăn chặn, trấn áp, tình trạng này đã giảm. Tôi nghĩ, nếu Công an xã chính quy cũng chỉ có 3-4 đồng chí thì không đủ lực lượng để trấn áp. Ở các địa bàn phức tạp, giáp ranh như chúng tôi, vẫn cần có Đồn Công an”.

Phương Thủy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/can-thiet-thanh-lap-don-tram-cong-an-o-cac-cua-khau-khu-cong-nghiep-519137/