Cần thiết phải kết hợp hai chiều giữa kinh tế xã hội và quốc phòng

Cho ý kiến vào Dự luật, nhiều đại biểu khẳng định sự cần thiết phải kết hợp hai chiều giữa kinh tế xã hội với quốc phòng và quốc phòng với kinh tế xã hội, nhằm thể hiện tinh thần dựng nước phải đi liền với giữ nước, góp phần củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, dự thảo Luật đã được chỉnh lý một số nội dung như, về kết hợp quốc phòng với kinh tế xã hội và kinh tế xã hội với quốc phòng. Một số ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về phạm vi, nội dung kết hợp quốc phòng với kinh tế xã hội và kinh tế xã hội với quốc phòng.

Cho ý kiến vào Dự luật, nhiều đại biểu khẳng định sự cần thiết phải kết hợp hai chiều giữa kinh tế xã hội với quốc phòng và quốc phòng với kinh tế xã hội, nhằm thể hiện tinh thần dựng nước phải đi liền với giữ nước, góp phần củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội.

Điểm mới của dự thảo Luật được nhiều đại biểu đánh giá cao là quy định kết hợp kinh tế xã hội với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế xã hội trên địa bàn trọng điểm phải có tính lưỡng dụng: Từ phát triển kinh tế có thể sẵn sàng chuyển sang phục vụ quốc phòng. Quy định này phù hợp với tình hình thực tế, giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu cao của quốc phòng và sự phát triển kinh tế đất nước.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang), dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) đã quy định những nguyên tắc và chính sách lớn về kết hợp kinh tế xã hội với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế xã hội, tạo hành lang pháp lý để bộ, ngành, địa phương có cơ sở triển khai thực hiện; khắc phục những sai sót bất cập về sự kết hợp giữa kinh tế xã hội với quốc phòng; quốc phòng và kinh tế xã hội trong thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) phát biểu ý kiến

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, dự thảo Luật lần này đã quy định rõ các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phải tuân thủ yêu cầu của Nhà nước về kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng.

Quy định này cũng kế thừa quy định tại Điều 11, Luật Quốc phòng hiện hành, vừa bảo đảm không hạn chế quyền kinh doanh, thống nhất với chính sách Nhà nước về quốc phòng, vừa huy động được nguồn lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đánh giá cao dự luật đã lồng ghép tính bình đẳng về giới, thể hiện ở quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, do đặc điểm của Luật Quốc phòng là luật khung, làm cơ sở cho các luật chuyên ngành thuộc lĩnh vực quốc phòng như Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, Luật Công nhân và Viên chức Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ Quân sự, Luật Công an nhân dân, Luật Dân quân tự vệ...

Do vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong nguyên tắc hoạt động quốc phòng vì đây là cơ sở quan trọng để cụ thể hóa được những quy định về bình đẳng giới trong các luật khác thuộc lĩnh vực quốc phòng.

"Dự thảo đã quy định nguyên tắc, chính sách lớn về sự kết hợp 2 chiều giữa quốc phòng với kinh tế-xã hội, thể hiện sự gắn kết xuyên suốt giữa hai lĩnh vực này, có sự thống nhất trong quản lý điều hành của Nhà nước, nhằm củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng và phát triển kinh tế-xã hội", đại biểu Lê Thị Nguyệt nói.

Cùng quan tâm đến vấn đề kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) thống nhất với quan điểm quân đội nên làm kinh tế quốc phòng, bởi lẽ quân đội làm kinh tế là thực hiện 3 chức năng: Là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Theo đại biểu, phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng-an ninh và hoạt động đối ngoại là một trong những vấn đề có tính quy luật trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/can-thiet-phai-ket-hop-hai-chieu-giua-kinh-te-xa-hoi-va-quoc-phong-115801.html