Cần thiết hoàn thiện, trang bị 'Kỹ năng mềm' cho học viên sĩ quan

Hiện nay, ở các nước có nền giáo dục phát triển, việc nâng cao kỹ năng tự học tập, 'Kỹ năng mềm' của sinh viên phát triển rất cao, qua đó đã phát huy được phẩm chất, năng lực, sở trường của sinh viên, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước và mang tính toàn cầu hóa.

Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 15/7/2013, Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 2523/QĐ-BQP phê duyệt "Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong quân đội giai đoạn 2011-2020" và Quyết định số 4134/QĐ-BQP ngày 14/10/2014 ban hành Kế hoạch hành động của hệ thống nhà trường Quân đội trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo. Sau 10 năm thực hiện Chiến lược, học viên các nhà trường Quân đội nói chung, Trường sỹ quan lục quân 2 nói riêng cơ bản được tiếp cận nền khoa học quân sự hiện đại, phương pháp giáo dục tiên tiến của Quân đội các nước. Bên cạnh đó, học viên được bồi dưỡng các kỹ năng như: Thuyết trình, tổ chức hoạt động ngoại khóa, nắm và giải quyết tình hình tư tưởng, giao tiếp, ứng xử, kỹ năng sống, xây dựng tình huống giả định..., Qua đó, góp phần hình thành lớp sĩ quan có năng lực, trình độ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trước yêu cầu cao của nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới, nhất là để góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đề ra, cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Để phấn đấu trở thành người sĩ quan ưu tú trong Quân đội, ngoài việc tích cực học tập nâng cao trình độ văn hóa, chính trị, quân sự, nghiệp vụ thì việc tự hoàn thiện "Kỹ năng mềm" có vai trò rất quan trọng. Bởi vì, trong thời kỳ mới, nếu người sĩ quan không có nhiều kỹ năng mềm sẽ dễ rơi vào trạng thái "áp lực ảo", nghĩa là những áp lực không do môi trường thực tế tác động đến, mà do chúng ta tự tưởng tượng ra, hoặc do ta quá "quan trọng hóa" vấn đề, sợ một việc gì đó sẽ xảy ra nhưng trên thực tế thì không phải.

Kỹ năng mềm giúp hoạt động bề nổi ở đơn vị thêm phong phú. Trong ảnh: Lắng sâu ca khúc “Nơi đảo xa” trên đảo Đá Đông, quần đảo Trường Sa.

Kỹ năng mềm giúp hoạt động bề nổi ở đơn vị thêm phong phú. Trong ảnh: Lắng sâu ca khúc “Nơi đảo xa” trên đảo Đá Đông, quần đảo Trường Sa.

Để nâng cao tính năng động, sáng tạo của học viên và củng cố hành trang trở thành người cán bộ sĩ quan quân đội với cương vị đầu tiên là trung đội trưởng, người trực tiếp quản lý, huấn luyện, giáo dục và tiến hành mọi hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở trung đội, đòi hỏi ngay từ thời kỳ còn là học viên phải tích cực học tập, tự rèn luyện, vận dụng có hiệu quả các giải pháp "Kỹ năng mềm" cơ bản sau:

Thứ nhất, Hoàn thiện, nâng cao kỹ năng học tập hiệu quả

Trong các nhà trường quân đội, cường độ huấn luyện, đào tạo rất cao, vừa tổng hợp, vừa chuyên sâu. Do vậy, để tiếp thu nhanh kiến thức và vận dụng sát điều kiện thực tiễn thì học viên cần có tính linh hoạt cao, vận dụng nhiều phương pháp học tập, trong đó đóng vai trò chủ đạo là 3 phương pháp Auditory (kỹ năng nghe) Visual (kỹ năng quan sát) và Kinesthetic (kỹ năng vận động, tiếp xúc, thực hành).

Phương pháp Auditory và Visual thường vận dụng đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn: Sau mỗi bài học, môn học, học viên cần chủ động xây dựng và sử dụng hiệu quả dàn ý, sơ đồ tư duy để hệ thống kiến thức; kết hợp đọc lại nội dung trong các tài liệu và kiến thức giảng viên truyền đạt để hiểu sâu bản chất. Chủ động đặt câu hỏi, thảo luận nhóm để tiếp thu trí tuệ tập thể và nâng cao khả năng tập trung; trừu tượng hóa, hình tượng hóa lý luận với thực tiễn để nắm chắc, hiểu sâu lý luận trong các mối liên hệ với thực tiễn và vận dụng sáng tạo lý luận. Rèn luyện kỹ năng tốc ký những thông tin nghe được bằng ký hiệu riêng và ghi nhớ thông tin mới; tự tạo và hình dung không gian riêng trong quá trình ôn tập để tránh các nhân tố tác động của môi trường xung quanh.

Phương pháp Kinesthetic thường được vận dụng đối với các môn quân sự chuyên ngành. Theo đó, học viên cần nâng cao khả năng tập trung, nắm chắc nguyên tắc các khoa mục, đề mục; quan sát kỹ động tác thực hành; đặt nội dung trong mối liên hệ thực tiễn chiến tranh công nghệ cao hiện nay để nắm bản chất vấn đề và cách đánh của quân đội ta. Tích cực thực hành, luyện tập nhuần nhuyễn các bài tập, từ đó học viên mới phát huy được khả năng sáng tạo trong tiếp thu nội dung, qua đó tránh được bị động trong xử lý tình huống.

Thứ hai, Hoàn thiện kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian hiệu quả

Với đặc thù môi trường đào tạo quân sự, để vừa hoàn thành tốt nội dung học tập, vừa thực hiện có hiệu quả các mặt công tác, học viên cần có kỹ năng tổ chức và quản lý tốt quỹ thời gian bằng cách lập kế hoạch, đặt ra ưu tiên và đưa ra giải pháp phù hợp với bản thân để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Xét về yếu tố ảnh hưởng đến khả năng quản lý thời gian dưới góc độ khoa học tâm lý nó được biểu hiện ở góc độ "Mục đích - Nhu cầu - Ý chí". Do vậy, để hoàn thiện kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian hiệu quả thì khả năng thiết lập mục tiêu có vai trò rất quan trọng, mang tính định hướng và xác định tương đối chính xác lượng kiến thức, hiệu quả công tác, giới hạn của từng cá nhân. Để từng bước hoàn thiện kỹ năng này, khi học viên xác định mục tiêu phải cụ thể, không chọn nhiều mục tiêu cùng lúc, đồng thời tuân thủ theo 4 bước cơ bản logicstic "SMRT" đó là: "Tính cụ thể (Specific) - Đo lường, dự lường tình huống (Measurable) - Phù hợp thực tế (Realistic) - Có thời hạn rõ ràng (Timely)" trong từng nhiệm vụ, từ đó sẽ làm đà cho sự bứt phá, tạo sự khác biệt và sáng tạo cho học viên.

Mặc khác, để quản lý tốt quỹ thời gian, học viên cần luyện tập khả năng tập trung từ thấp đến cao để tránh stress. Tích cực rèn ý chí, chú tâm vào công việc đang thực hiện, rèn luyện sức khỏe, tập ghi nhớ; nâng cao kỹ năng đọc-hiểu và lắng nghe chủ động. Nâng cao khả năng rút kinh nghiệm từ trải nghiệm; tránh thụ động và ngại thay đổi.

Thứ ba, Rèn luyện kỹ năng làm việc hiệu quả trong môi trường áp lực

Với đặc thù môi trường học tập và công tác áp lực cao, để hoàn thành tốt nhiệm vụ và giải tỏa áp lực, ngoài việc rèn luyện ý chí, học viên cần nâng cao khả năng kiểm soát cảm xúc để nhìn nhận và đánh giá vấn đề gặp phải một cách khoa học trên các góc độ: Tính chất vấn đề có khẩn cấp và quan trọng hay không; nguồn gốc vấn đề nằm ở đâu, bản chất vấn đề là gì; có điểm đặc biệt nào cần lưu ý khi giải quyết hay không; phạm vi ảnh hưởng của vấn đề nếu không được giải quyết là như thế nào; những nguồn lực nào cần có để giải quyết được vấn đề này... Từ đó sẽ chọn được giải pháp và thực thi giải pháp hiệu quả.

Rèn luyện kỹ năng xác định và tổ chức công việc theo các cấp độ: (1)-nhiệm vụ cần phải làm ngay lập tức; (2)-Quan trọng nhưng không phải khẩn cấp, được lên kế hoạch để làm sau; (3)-Khẩn cấp nhưng không quan trọng, nên bàn giao cho người khác nếu có thể; (4)-Không khẩn cấp nhưng cũng không quan trọng, nhiệm vụ phải được loại bỏ. Song song với đó cần áp dụng theo nguyên tắc "4D": (1) Nếu hoàn thành xong trong 15 phút hoặc hơn thì hãy giải quyết ngay lập tức (Do); (2) Nếu không cần thiết thì hãy bỏ qua (Delete); (3) Nếu tốn nhiều thời gian và không ưu tiên hãy để tạm sang một bên (Defer); (4) Nếu không thuộc trách nhiệm của mình thì hãy bàn giao cho người khác (Delegate). Ngoài ra, khi xác định và thực hiện có hiệu quả những vấn đề trên sẽ góp phần tạo phẩm chất, kỹ năng giao nhiệm vụ cho cấp dưới đối với người cán bộ.

Bên cạnh đó, để điều chỉnh trạng thái cơ thể tốt nhất, góp phần nâng cao kết quả học tập, công tác trong môi trường áp lực, học viên cần xác định: Coi áp lực như một thử thách đối với bản thân, coi đây là một cơ hội; luôn suy nghĩ tích cực; tạo cơ hội để thư giãn; tập trung trước vào những vấn đề mà mình có thể kiểm soát; chia sẻ áp lực với đồng đội, với cấp trên...

Trong điều kiện thế giới nói chung và đất nước ta nói riêng hiện nay đang bước vào kỷ nguyên số, yêu cầu kỹ năng cần có của mỗi cán bộ, sĩ quan là rất cao, do vậy, việc tự hoàn thiện các "Kỹ năng mềm" nêu trên là rất cần thiết đối với học viên, bởi nếu áp dụng một cách khoa học sẽ mang lại hiệu quả học tập, công tác tốt, đồng thời là hành trang rất quý giá để dần hoàn thiện kỹ năng quản lý, chỉ huy đơn vị sau khi ra trường trên cương vị công tác mới.

Lê Tuấn Vũ, Trường sỹ quan lục quân 2

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/can-thiet-hoan-thien-trang-bi-ky-nang-mem-cho-hoc-vien-si-quan-20210612102912803.htm