Cần thiết gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế

Sáng 7-6, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến bằng hệ thống điện tử về một nội dung của dự thảo Luật Kiến trúc; một nội dung trong phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng chung và nguồn vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; thảo luận tại hội trường về việc gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN); về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24-11-2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân.

Bảo vệ người lao động, công đoàn trước sự phân biệt đối xử

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phần thảo luận về việc gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Qua thảo luận, đa số các ĐBQH tán thành cao về sự cần thiết gia nhập Công ước 98 và cho rằng việc gia nhập Công ước 98 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế.

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh, việc tham gia công ước này chính là xây dựng khung khổ pháp luật, bảo đảm quá trình thương lượng tập thể được công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo vệ cho các tổ chức, cá nhân được đối xử bình đẳng. Còn đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, việc tham gia Công ước 98 thể hiện sự nghiêm túc trong việc thực hiện những cam kết về lĩnh vực lao động của chúng ta trong các điều khoản của các cam kết quốc tế mà nước ta tham gia, nhất là các cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đã tham gia ký kết, thực hiện.

Nhất trí cao với việc cần thiết tham gia Công ước 98, song đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đề nghị, Chính phủ phải có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể khi gia nhập Công ước 98; cần rà soát, đánh giá đầy đủ các mặt không thuận lợi khi gia nhập công ước để chủ động phương án xử lý tốt nhất, không làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người lao động. Có cùng cách nhìn nhận, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật để bảo đảm sự tương thích với Công ước 98. Trong đó, nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn; cần luật hóa trong các quy định pháp luật để bảo đảm bình đẳng giữa hai chủ thể trong thương lượng tập thể giữa tổ chức của người lao động và tổ chức của người sử dụng lao động. Bổ sung thêm ý kiến, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) cho biết, khuyến nghị của quốc tế, không cho phép lựa chọn lãnh đạo doanh nghiệp làm cán bộ công đoàn mà phải là lao động sản xuất trực tiếp. Nhưng trên thực tế hiện nay những công nhân trực tiếp sản xuất, hầu hết trình độ, năng lực rất hạn chế. Điều này trong quá trình thương lượng người lao động dễ ở thế yếu. Vì vậy, cần quan tâm tới việc thiết kế pháp luật, thanh tra, kiểm tra để bảo đảm chất lượng thương lượng thực chất.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường (ĐBQH đoàn Gia Lai) cho biết, tới đây, tổ chức công đoàn sẽ đổi mới mạnh mẽ về mặt tổ chức, phương thức hoạt động phù hợp theo thông lệ quốc tế. Hiện đơn vị này đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; cùng với đó sẽ thực hiện các bước để trình các cơ quan thẩm quyền sửa đổi Luật Công đoàn.

Giải đáp làm rõ thêm, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã phối hợp rất chặt chẽ với các tổ chức quốc tế liên quan để rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, rà soát những điều kiện tiêu chuẩn và thấy rằng đây là thời điểm “chín muồi” để Việt Nam tham gia Công ước 98. Các quy định của Công ước 98 sẽ được Việt Nam thực thi hiệu quả. “Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thiết kế 9 nội dung kế hoạch hành động khi Công ước 98 được phê chuẩn, đi kèm với đó là sẽ rà soát lại các hành lang pháp luật về người lao động một cách đồng bộ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin thêm.

Chính phủ quyết định danh mục các dự án sử dụng nguồn dự phòng chung và nguồn vốn đầu tư công còn lại

Cũng trong buổi sáng, với sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội tiến hành lấy ý kiến bằng hệ thống điện tử về thẩm quyền quyết định danh mục các dự án sử dụng nguồn dự phòng chung và nguồn vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Với 53,31% tổng số ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua quy định có văn phòng kiến trúc sư trong dự án Luật Kiến trúc.

Về thẩm quyền quyết định danh mục các dự án sử dụng nguồn dự phòng chung và nguồn vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trong phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng chung và nguồn vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, với 61,78% tổng số ĐBQH tán thành, Quốc hội đã chọn phương án là đồng ý giao Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát lại danh mục thủ tục đầu tư, phương án phân bổ, giao phân bổ chung cho các bộ, ngành, địa phương và các dự án trên nguyên tắc bảo đảm cân đối được các nguồn vốn hằng năm và phải bố trí được trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 và từ điều chỉnh nguồn vốn giữa các dự án theo thẩm quyền. Riêng các dự án quan trọng quốc gia phải báo cáo Quốc hội và từ tăng nguồn thu, tiết kiệm chi, bảo đảm quản lý, sử dụng vốn có hiệu quả theo đúng luật quy định.

Cuối buổi sáng, Quốc hội đã họp riêng nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách Nhà nước năm 2018, 2019 và thảo luận tại hội trường về nội dung trên.

Bổ sung đối tượng được quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán

Chiều 7-6, với sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Qua thảo luận, các đại biểu quan tâm tới vấn đề khi dự thảo luật bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; bổ sung quy định để KTNN thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, quy định nhiệm vụ của KTNN trong thực hiện giám định tư pháp. Bên cạnh đó, dự thảo cũng làm rõ nội dung các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến hoạt động kiểm toán, bổ sung quy định về quyền khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán...

Về bổ sung quy định quyền khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) cho rằng, điều này sẽ tạo minh bạch của KTNN. Song, băn khoăn về quy định này, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, quy định này chưa phù hợp các quy định trong Luật Khiếu nại, tố cáo. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định theo hướng việc giải quyết khiếu nại phải báo cáo kiểm toán theo trình tự của Luật Khiếu nại, tố cáo đã quy định.

Làm rõ thêm quy định này, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc (ĐBQH đoàn Nghệ An) cho biết, trên thực tế, các nội dung trong báo cáo kiểm toán có tác động đến đơn vị được kiểm toán và cả đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý tài chính, tài sản công. Nhưng Luật KTNN năm 2015 chỉ quy định quyền khiếu nại của các đơn vị được kiểm toán, chưa quy định quyền khiếu nại của các đơn vị liên quan. Do đó, trong dự thảo luật này có bổ sung quyền khiếu nại của các đơn vị liên quan. Điều này để minh bạch báo cáo kiểm toán, đồng thời, bảo vệ quyền lợi của các đối tượng liên quan đến hoạt động kiểm toán khi kết quả kiểm toán có xâm phạm đến lợi ích của họ. “Việc bổ sung quyền khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến việc sử dụng, quản lý tài chính công, tài sản công sẽ tạo cơ sở pháp lý để thực hiện quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Nếu quy định như dự thảo luật thì các đối tượng liên quan có quyền khởi kiện báo cáo kiểm toán ra tòa”, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Cuối buổi chiều, với sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24-11-2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/can-thiet-gia-nhap-cong-uoc-98-cua-to-chuc-lao-dong-quoc-te-576116