Cần thiết để hướng đến công bằng

Bộ GD&ĐT chính thức công bố một số thay đổi về kỹ thuật trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Những thay đổi trên nhằm hướng đến sự minh bạch toàn diện, hạn chế đối đa các hiện tượng tiêu cực trong thi cử.

Đánh giá về những thay đổi vừa được Bộ GD&ĐT công bố, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn- Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho rằng: Đó là những thay đổi hợp lý.

Thay đổi phương thức đánh giá, xét tốt nghiệp giúp giảm việc “làm đẹp” học bạ

Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, thực tế với học sinh thì có hai vấn đề mà các em quan tâm, đó là đề thi và cách tính điểm tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trong dự kiến của phương án năm 2019 cũng đã tương đối cụ thể nên cũng tạo sự an tâm cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên Bộ GD&ĐT cần sớm có hướng dẫn ôn tập để các em học sinh và nhà trường có định hướng ôn tập.

Năm 2019 việc xét tốt nghiệp có thay đổi về tỉ lệ điểm, trong đó điểm lớp 12 chỉ chiếm 30% là một cải tiến tốt, nó vừa giúp đánh giá quá trình và cũng giảm thiểu nguy cơ một số trường lợi dụng điểm trung bình lớp 12 để tăng tỉ lệ tốt nghiệp của học sinh thông qua việc “làm đẹp” học bạ.

Đây là thực trạng đã được phản ánh, và những thay đổi này của Bộ GD&ĐT không chỉ đảm bảo tính công bằng, mà còn giúp các trường ĐH đảm bảo tốt đầu vào khi xét tuyển học bạ.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn-Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM

Công tác tổ chức thi đã hướng đến sự minh bạch tuyệt đối

Về công tác tổ chức thi, việc giao cho các trường Đại học chủ trì mặc dù có thể phức tạp hơn trong công tác chuẩn bị từ các trường Đại học nhưng cũng sẽ giảm thiểu được tiêu cực xảy ra như năm 2018.

Năm nay Bộ GD&ĐT quy định các trường ĐH- CĐ không tham gia phối hợp tổ chức, coi thi tại địa phương mình là hợp lý. Tuy sẽ vất vả cho thầy cô phải di chuyển nhưng đổi lại là sự minh bạch, công bằng.

Trong phương án tổ chức in sao đề thi, cá nhân tôi nghĩ Bộ GD&ĐT nên bố trí trí thành các điểm in sao tập trung như những năm còn thi 3 chung và các trường đại học chủ trì cụm thi chỉ cần nhận bàn giao túi bài thi, bảo mật và bàn giao về các điểm thi.

Với các điểm thi tại các tỉnh có thể bố trí tập trung theo cụm tương ứng với các huyện và tùy điều kiện thực tế sẽ sắp xếp để có sự trộn danh sách thí sinh, tránh việc các em dường như thi tại chỗ. Việc này sẽ giảm thiểu nguy cơ tiêu cực.

Tập trung một đầu mối chấm thi tạo sự an toàn hơn

Về công tác chấm thi, theo định hướng Bộ GD&ĐT đưa ra cá nhân tôi thấy sẽ giải quyết được bất cập gây ra tiêu cực.

Việc chấm trắc nghiệm nên tập trung lại thành các điểm lớn và do Bộ GD&ĐT chủ trì như những năm còn thi 3 chung (Bộ GD&ĐT tập trung và chấm thi giúp các trường). Việc tập chung này vừa đảm bảo an toàn vừa giảm thiểu chi phí tổ chức.

Việc chấm tự luận thì giao cho trường đại học chủ trì và huy động giáo viên chấm thi tại chỗ. Trong việc chấm trắc nghiệm thì khâu làm phách và bảo mật phách là quan trọng, do đó chỉ cần các trường đại học chủ trì vấn đề này cũng đã giải quyết được những khả năng tiêu cực.

Trong khâu chấm thi chỉ cần các trường đại học kiểm soát chặt khâu thống nhất phương án chấm dựa trên đáp án, hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT và giám sát khâu chấm kiểm tra thì sẽ ngăn ngừa được tình trạng "lỏng" trong công tác chấm thi.

Nhìn chung, định hướng của Bộ GD&ĐT về phương án tổ chức thi và chấm thi cũng như công tác xét tốt nghiệp năm 2019 được cải tiến theo chiều hướng tăng cường công tác giám sát, tăng tính minh bạch và giảm thiểu nguy cơ tiêu cực. Đây là điều cần thiết và tôi tin chắc chắn xã hội sẽ đồng thuận.

Anh Tú

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/can-thiet-de-huong-den-cong-bang-3967826-v.html