Cần thiết có quy định về dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ

Việc triển khai các dự án dầu khí theo chuỗi giá trị đồng bộ là một trong những đặc thù của hoạt động dầu khí. Do vậy, quy định bổ sung về việc triển khai các dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ trong Luật Dầu khí (sửa đổi) là rất cần thiết.

Hoạt động dầu khí trên biển (ảnh: Vương Thái)

Hoạt động dầu khí trên biển (ảnh: Vương Thái)

Hiện nay, hầu hết các mỏ dầu khí chủ đạo của nước ta (Bạch Hổ, cụm mỏ Sư Tử, Tê Giác Trắng, Lan Tây...) đang trong giai đoạn suy giảm sản lượng, đòi hỏi phải đầu tư thêm các giải pháp công nghệ để tận khai thác. Các mỏ/vỉa mới dự kiến đưa vào khai thác phần lớn có cấu tạo phức tạp, trữ lượng nhỏ. Trong khi đó, tiến độ đưa các mỏ mới đi vào khai thác, chủ yếu là các mỏ khí, đang bị chậm lại do nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan, do thiếu vốn, thiếu cơ chế, vướng mắc các thủ tục đầu tư, bị điều chỉnh bởi nhiều quy định pháp luật dẫn tới quá trình chuẩn bị đầu tư dự án mất nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn thẩm định...

Hiện các mỏ khí tiềm năng đang có khá nhiều, song phân bố không đều, tập trung ở vùng nước sâu, xa bờ, có điều kiện địa chất và kỹ thuật phức tạp, muốn khai thác được phải tiêu tốn không ít chi phí để phát triển và vận hành mỏ, chưa kể đến tiến độ phát triển mỏ khí khó khăn, nhiều nhà đầu tư lo ngại.

Ví dụ điển hình là một số dự án trọng điểm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) như chuỗi Dự án khí Cá Voi Xanh, chuỗi khí - điện Lô B hiện đang bị chậm nghiêm trọng. Trong một chuỗi dự án lớn như vậy, chỉ tính riêng khâu trung nguồn như công tác triển khai đường ống dẫn khí từ mỏ/miệng giếng khai thác ngoài khơi về bờ và đến các hộ tiêu thụ (nhà máy điện, nhà máy đạm...) cũng có rất nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, chỉ riêng việc triển khai phần dự án này đã đòi hỏi tính đồng bộ trong cả chuỗi, từ hoạt động khai thác, vận chuyển cho đến sử dụng khí, nói cách khác, tiến độ xây dựng, vận hành dự án đường ống dẫn khí phải bảo đảm “khớp” với tiến độ khai thác khí tại mỏ và cả tiến độ xây dựng, vận hành các nhà máy nhiệt điện khí, nhà máy đạm sử dụng khí làm nguyên liệu đầu vào.

Giếng khoan Kèn Bầu 2X, Lô 114, bể Sông Hồng, thềm lục địa Việt Nam được giàn khoan SAGA thi công (ảnh: Trương Hoài Nam)

Các đơn vị thành viên Petrovietnam có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị dầu khí, tập trung vào 5 lĩnh vực chính: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; công nghiệp khí; công nghiệp điện; chế biến, tồn trữ, phân phối sản phầm dầu khí; dịch vụ dầu khí. Do đó, việc xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị dầu khí chính là gia tăng giá trị, nâng cao sức cạnh tranh của Petrovietnam.

Đáng chú ý, các dự án chế biến dầu khí, các dự án nhà máy nhiệt điện (khí, than) thường có quy mô đầu tư rất lớn (khoảng 2 tỉ USD, tương đương hơn 40.000 tỉ đồng trở lên) và thời gian xây dựng dài, dẫn đến việc huy động vốn rất phức tạp, phải huy động vốn từ các nguồn nước ngoài và cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Tài chính. Thêm nữa, các dự án còn chịu nhiều tác động từ các quy định về an toàn, môi trường, chất lượng sản phẩm buộc chủ đầu tư phải đầu tư nâng cấp, ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ hoàn thành dự án.

Ngoài ra, có dự án bắt buộc phải sử dụng công nghệ bản quyền, nghĩa là mua/thuê bản quyền công nghệ (thiết kế công nghệ, sở hữu trí tuệ, hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị độc quyền, hóa chất xúc tác...) từ các tổ chức nước ngoài để phù hợp với yêu cầu chế biến của từng nhà máy, dự án, tương thích với nguồn nguyên liệu dầu thô đầu vào và cơ cấu sản phẩm đầu ra. Do đó, khi triển khai đầu tư phải tuân thủ theo thông lệ quốc tế.

Một thực tế khác, giá khí mua của chủ mỏ tại điểm giao nhận từ mỏ (giá khí miệng giếng), giá khí bán cho các hộ tiêu thụ điện, đạm và giá điện bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đều do Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, có một số nguồn khí do điều kiện khai thác, sử dụng đặc thù nên được áp dụng cơ chế chuyển ngang (pass through) giá mua khí sang giá điện (ví dụ khí khu vực PM3-CAA; cụm mỏ Lô B, 48/95, 52/97). Điều này cho thấy, quan hệ lợi ích giữa các bên liên quan trong chuỗi hoạt động khí phải hài hòa mới có thể bảo đảm sự đồng bộ trong chuỗi dự án. Đó luôn là thách thức trong thực tiễn triển khai dự án.

Với các bất cập đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc sớm rà soát, sửa đổi các văn bản pháp lý không còn phù hợp và chồng chéo trong bối cảnh mới sẽ là “liều thuốc” quan trọng để các dự án dầu khí có thể triển khai thuận lợi, đồng thời tạo sự yên tâm, tin tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí.

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) hiện nay đã bổ sung quy định về loại hình dự án dầu khí triển khai theo chuỗi đồng bộ từ thượng nguồn đến trung nguồn và hạ nguồn. Song, theo ý kiến từ các chuyên gia, dự thảo luật hiện tại vẫn chưa xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện dự án liên kết theo chuỗi đồng bộ, bởi quá trình triển khai dự án vẫn phải thực hiện quá nhiều thủ tục khác nhau cho từng phần của dự án theo quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác (Luật Xây dựng, Luật Đất đai...) ngoài pháp luật về dầu khí, điển hình như Dự án Cá Voi Xanh hoặc có thể có thêm các dự án khác như Kèn Bầu...

Quy định nguyên tắc như nêu trên sẽ dẫn tới việc các dự án theo chuỗi liên kết vẫn phải tách các thành phần dự án và triển khai theo quy định pháp luật tương ứng, không phát huy được mặt tích cực, hợp lý, đồng bộ của các dự án theo chuỗi liên kết. Do vậy, cần bổ sung quy định về việc triển khai dự án theo chuỗi đồng bộ vào Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm tạo cơ sở pháp lý để Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, chấp thuận các đề xuất của Petrovietnam, nhà thầu trong quá trình thực hiện các chuỗi dự án liên kết với mục tiêu tối ưu hiệu quả đầu tư của dự án.

TS Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam:

“Đối với các dự án khí lớn, có vai trò quan trọng với an ninh năng lượng đất nước, cần có những hướng dẫn triển khai cụ thể và cơ chế phù hợp để bảo đảm phát triển đồng bộ cả chuỗi dự án, đạt được tiến độ và hiệu quả đầu tư. Yếu tố đặc biệt quan trọng bảo đảm cho sự thành công của ngành công nghiệp khí là tính đồng bộ về thời gian, kế hoạch, trình tự hoàn thành các khâu. Hiệu quả toàn dự án là hiệu quả chuỗi, tích hợp từ khâu khai thác đến phân phối và hộ tiêu thụ cuối cùng. Sự chậm trễ và tính không đồng bộ, thiếu sự chỉ đạo quyết đoán từ cơ quan quản lý nhà nước sẽ làm mất yếu tố thời cơ, gây thiệt hại không đáng có”.

TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh:

“Cần xem xét, sửa đổi Luật Dầu khí phù hợp, tạo ra cơ chế chính sách đồng bộ, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư. Việc sửa đổi Luật Dầu khí hiện hành và các văn bản pháp luật liên quan sẽ giúp “mở cánh cửa mới” cho ngành Dầu khí Việt Nam nói riêng, cho hành trình phát triển năng lượng của đất nước nói chung”.

Luật Dầu khí được ban hành ngày 6-7-1993 và trải qua hai lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000, 2008, cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành Dầu khí. Tuy nhiên, những thay đổi lớn của nền kinh tế thị trường đã phát sinh hàng loạt các vấn đề mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Việc ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) trong thời gian tới sẽ góp phần thiết lập khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ để thúc đẩy phát triển hoạt động dầu khí, đặc biệt là tạo tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, tận thu và không bỏ phí nguồn tài nguyên của quốc gia, đồng thời thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, phát triển ngành Dầu khí để phát triển kinh tế, gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trúc Lâm

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/can-thiet-co-quy-dinh-ve-du-an-dau-khi-theo-chuoi-dong-bo-654748.html