Cần thiết ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

Sáng 9-9, sau phần khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Tờ trình về dự án luật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày nêu rõ sự cần thiết ban hành luật. Cụ thể, Luật Phòng, chống thiên tai được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19-6-2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5- 2014; Luật Đê điều được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29 -11- 2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Thiệt hại do thiên tai mỗi năm chiếm 1,5% GDP

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hai Luật này cùng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo hành lang pháp lý trong công tác phòng chống thiên tai, quản lý đê điều; cơ bản phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo đảm an sinh, xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình thi hành hai Luật, điều kiện kinh tế - xã hội trong nước, quan hệ quốc tế đã có nhiều thay đổi, nhận diện và diễn biến tình hình thiên tai và yêu cầu thích ứng biến đổi khí hậu rõ nét hơn nên một số quy định tại hai Luật hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay... Do đó, để khắc phục những bất cập, vướng mắc lớn trong thực tiễn thi hành hai Luật này và bảo đảm phù hợp, thống nhất với một số luật liên quan, thì việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều là cần thiết.

Tán thành với đề nghị trên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho rằng, hiện nay có tình trạng gia tăng quy mô, loại hình, tần suất và diễn biến bất thường của thiên tai nên thiệt hại do thiên tai ngày càng lớn (mỗi năm ở Việt Nam có tới trên 400 người bị thiệt mạng, thiệt hại vật chất chiếm tới 1,5% GDP, hạ tầng kỹ thuật bị phá hủy nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh kế, cuộc sống người dân).

Do vậy, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật lần này còn nhằm mục tiêu nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro thiên tai; bảo đảm tính chủ động trong phòng chống thiên tai; phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước và sự tham gia của khu vực tư nhân; đồng thời, bảo đảm việc thực thi cam kết, thỏa thuận quốc tế; tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ của các chính phủ, cộng đồng quốc tế cho công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam.

Cần thiết thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết ban hành luật cũng như phạm vi điều chỉnh như tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát lại để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhằm tránh chồng chéo, nhất là đối với các luật: Dân quân tự vệ, Ngân sách nhà nước, Đầu tư, Xây dựng...

Một nội dung được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, cho ý kiến tại phiên họp là việc có nên thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương. Đa số các ý kiến tán thành việc cần có Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương để có thêm nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt là nguồn lực quốc tế cho công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ nguồn thu của Quỹ; cơ chế sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương để không trùng lặp, chồng chéo với nguồn tài trợ, hỗ trợ theo Luật Ngân sách nhà nước; việc điều chuyển giữa quỹ Trung ương và quỹ địa phương để bảo đảm quyền lợi của các Quỹ Phòng chống thiên tai địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trình bày tờ trình. Ảnh: Quốc hội.

Tán thành với việc thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc này là cần thiết. Bởi thực tế, nhiều tổ chức quốc tế ủng hộ tiền cho nước ta nhưng không có quỹ nên phải phân bổ ngay cho các tỉnh, chia mỗi nơi mỗi ít hoặc chia cho nơi bị thiên tai... “Tuy nhiên, phải nghiên cứu lại để phù hợp với thực tế, rồi cơ chế điều hòa, sử dụng quỹ như thế nào. Những nơi thu được nhiều nhưng không có thiên tai xảy ra thì phải điều hòa về Quỹ Trung ương như thế nào để Quỹ này giúp các địa phương xảy ra thiên tai”, Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng.

Nêu rõ hơn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam là một trong 5 nước chịu tổn thương lớn nhất từ biến đổi khí hậu. Do đó, khi xảy ra thiên tai, nhiều nước muốn ủng hộ nước ta. Năm 2016, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ủng hộ 16,2 triệu USD song nước ta không có chế tài nào để giải ngân số tiền này; sau đó vận hành theo kiểu ODA nên hai năm sau mới giải ngân được, rất mất thời gian. Năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ủng hộ thiệt hại do cơn bão Damrey 5 triệu USD và 520 triệu tấn hàng, nhưng “cũng không có quỹ chung nào cả và phải qua nhiều đề nghị, chủ trương mới phân bổ được”. Do đó, nếu thiết kế một quỹ của Trung ương để vận động nước ngoài ủng hộ cho chúng ta là cần thiết.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định, nguồn huy động quỹ này từ bên ngoài là chủ yếu; việc chi quỹ này là để hỗ trợ trực tiếp cho các tỉnh; đặc biệt không phát sinh bộ máy, không tăng biên chế.

Quan tâm đến công tác dự báo, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhắc lại việc dự báo thời tiết để thu xếp công việc đồng áng trong những bài ca dao về kinh nghiệm dự báo thời tiết trước đây cũng tương đối chính xác. Thế nhưng, hiện nay, mặc dù biến đổi khí hậu nhưng khoa học công nghệ lại rất phát triển, song trong dự thảo luật lại đổi từ “chính xác” sang “đủ độ tin cậy”.

“Theo tôi, “đủ độ tin cậy” ở cấp độ kém hơn so với “chính xác”; hai khái niệm này khác nhau như thế nào và công tác dự báo của chúng ta thời gian qua đạt kết quả như thế nào”, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải băn khoăn. và cho biết, theo phản ánh của cử tri, để bảo đảm an toàn, nhiều khi bão cấp này lại dự báo ở cấp mạnh hơn, nhiều khi dự báo quá mức nên công tác chuẩn bị “hơi quá” và thiệt hại do công tác chuẩn bị cũng khá lớn... Từ đó, đồng chí Trưởng ban Dân nguyện đề nghị Bộ trưởng quan tâm đến việc nếu dự báo sai thì có chịu trách nhiệm gì trong công tác dự báo này hay không.

Kết luận nội dung làm việc này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến bước đầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật để cơ quan thẩm tra tiến hành thẩm tra chính thức, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 khi đủ điều kiện.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/can-thiet-ban-hanh-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-phong-chong-thien-tai-va-luat-de-dieu-590642