Can thiệp thành công ca bệnh 'cửa sổ chủ phế' hiếm gặp trên thế giới cho bệnh nhi hơn 1 tuổi

Các y bác sĩ Bệnh viện Nhi tỉnh Thanh Hóa vừa thực hiện can thiệp bít lỗ thông thành công cho một bệnh nhi 13 tháng tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh cửa sổ chủ phế, một bệnh tim rất hiếm gặp trên thế giới.

Ngày 31-10, ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh Thanh Hóa, cho biết một bệnh nhân tim bẩm sinh cửa sổ chủ phế đầu tiên tại Thanh Hóa vừa được các y bác sĩ của bệnh viện can thiệp thành công bằng phương pháp bít lỗ thông. Đây là phương pháp phẫu thuật rất ít được thực hiện ở Việt Nam và trên thế giới cho bệnh nhi mới hơn 1 tuổi.

Hình ảnh các y bác sĩ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa thực hiện can thiệp bít lỗ thông cho bệnh nhi bị tim bẩm sinh cửa sổ chủ phế - một căn bệnh hiếm gặp trên thế giới

Hình ảnh các y bác sĩ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa thực hiện can thiệp bít lỗ thông cho bệnh nhi bị tim bẩm sinh cửa sổ chủ phế - một căn bệnh hiếm gặp trên thế giới

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Anh Minh, Phó Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, người trực tiếp tham gia can thiệp điều trị cho bệnh nhi này, cho biết bệnh nhân Nguyễn Thị B. A. (13 tháng tuổi, ngụ xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) thời điểm nhập viện nặng có 7 kg, mắc bệnh tim bẩm sinh cửa sổ chủ phế và chưa được can thiệp điều trị.

"Đây là căn bệnh hiếm gặp (chiếm 0,2% các bệnh tim bẩm sinh) và chưa từng được can thiệp, điều trị tại Thanh Hóa. Vì vậy, để tránh cho bệnh nhân phải trải qua một cuộc phẫu thuật hở nặng nề, sau nhiều ngày cân nhắc, xin ý kiến từ Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Tim Hà Nội, đặc biệt từ bài viết của tác giả từ Ấn Độ, sáng ngày 30-10, chúng tôi đã quyết định sử dụng phương pháp bít lỗ thông bằng cách đưa các dụng cụ từ đùi lên tim, qua mạch máu. Ca can thiệp diễn ra trong vòng 50 phút và đã thành công"- bác sĩ Minh chia sẻ.

Bệnh nhi Nguyễn Thị B. A. đã phục hồi rất tốt sau khi can thiệp

Cũng theo bác sĩ Minh, do lần đầu tiên thực hiện nên việc can thiệp gặp rất khó khăn, nhưng sau đó đã thành công ngoài mong đợi. "Lỗ thông được bít hoàn toàn bằng dụng cụ đóng ống động mạch 8/6 Cocoon. Ca can thiệp này chúng tôi thực hiện nhanh hơn bên Ấn Độ khoảng 20 phút, siêu âm dụng cụ không gây hẹp động mạch chủ và động mạch phổi"- bác sĩ Minh thông tin.

Lý giải về căn bệnh này, bác sĩ Minh cho biết với bệnh nhi 13 tháng (cân nặng chỉ 7 kg) thì mổ hở là rất nặng nề, ảnh hưởng tới sự phát triển sau này của trẻ. Trong khi đó, nhiều nơi trên thế giới chỉ can thiệp bằng phương pháp này khi bệnh nhi đã 3-4 tuổi. Tuy nhiên, bệnh nhân A. suy tim nặng, có nguy cơ tử vong cao nên không thể đợi được đến lúc đó để can thiệp.

"Thay vì mổ hở, thực hiện bằng phương pháp bít lỗ thông thì cháu bé có thể xuất viện trong vài ngày và không để lại dấu vết gì trên cơ thể bệnh nhân. Đây là lựa chọn ưu tiên số 1 cho điều trị tim bẩm sinh"- bác sĩ nói.

Clip quá trình bít lỗ thông cho bệnh nhi bị tim bẩm sinh cửa sổ chủ phế

Theo ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, việc thực hiện ca can thiệp cho bệnh nhi tim bấm sinh mắc bệnh hiếm gặp như cháu A. là một thành công của bệnh viện.

"Song song với việc phát triển khoa học kỹ thuật của bệnh viện, xu thế hiện nay, bệnh viện cũng đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, trong đó kỹ thuật ít xâm lấn được ưu tiên, chú trọng. Bởi cơ thể trẻ em đang nhỏ, các kỹ thuật ít bị xâm lấn sẽ rất có lợi cho quá trình điều trị và trưởng thành sau này"- ông Khoa cho hay.

Thanh Tuấn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/can-thiep-thanh-cong-ca-benh-cua-so-chu-phe-hiem-gap-tren-the-gioi-cho-benh-nhi-hon-1-tuoi-20191031140629215.htm