Can thiệp quân sự ở nước ngoài: Mỹ thành công hay thất bại đau đớn?

Lịch sử cho thấy hỗ trợ quân đội tại những quốc gia non yếu và bất ổn không phải 'liều thuốc chữa bách bệnh' như giới chức an ninh Mỹ kỳ vọng.

Kể từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ đã theo đuổi một chính sách đối ngoại được phát triển theo thời gian: đào tạo và trang bị cho các lực lượng quân sự tại nước ngoài để mở rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Binh sỹ Mỹ tham gia huấn luyện quân đội Iraq chống khủng bố. Ảnh: US Department of Defense.

Mỹ đã áp dụng chính sách này tại hầu hết các khu vực trên thế giới trong hơn 70 năm qua, nhằm tìm cách bình ổn tình hình tại những quốc gia bất ổn. Đến thời điểm hiện tại, Washington đang hợp tác với quân đội của hơn 100 quốc gia, triển khai các chương trình quy mô lớn như đào tạo và trang bị vũ khí cho quân đội nước ngoài tại những điểm nóng xung đột như Syria, Afghanistan, Iraq, Jordan và Pakistan.

Tại sao Mỹ quyết tâm củng cố quân sự cho các quốc gia bất ổn?

Nguyên lý đứng sau cách tiếp cận này có thể hiểu như sau, bằng cách gia tăng an ninh tại những khu vực bất ổn, Mỹ sẽ tạo được vị thế là một siêu cường quốc có ảnh hưởng nhất trên thế giới, vượt cả Trung Quốc và Nga, là một “nhà kiến tạo hòa bình”, tiếp đến ngăn chặn được những mối đe dọa an ninh tiềm tàng trước khi chúng kịp lan rộng tới Mỹ.

Việc hỗ trợ quân đội nước ngoài rất phổ biến và quen thuộc đối với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ. Trong bài báo đăng tải trên Tạp chí vào năm 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert Gates đã gọi các quốc gia bất ổn là “thách thức đối với an ninh mọi thời đại”, nhấn mạnh sự cần thiết phải giúp đỡ những nước này tự bảo vệ chính họ, hoặc nếu Mỹ sẽ điều quân đội tiến hành huấn luyện, đào tạo hoặc cung cấp cho họ trang thiết bị quân sự, hoặc những dạng hỗ trợ khác về an ninh.

Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ đã tiêu tốn hàng tỉ đô la Mỹ cho các các lực lượng an ninh nước ngoái. Nếu tính chi li, con số này vào khoảng 20 tỷ USD mỗi năm. Song đổi lại Mỹ nhận được những gì?

Ngay tại nước Mỹ, sự ủng hộ của công chúng đối với việc can thiệp quân sự tại nước ngoài đã sụt giảm. Còn những quốc gia mà Mỹ hỗ trợ quân sự thì tình hình cũng không khá khẩm hơn, xung đột vẫn triền miên và chia rẽ hầu như không thể hàn gắn, dẫn đến triển vọng hòa bình, ổn định ngày càng lu mờ. Chính sách hỗ trợ của Mỹ chỉ có thể gói gọn trong ba từ “thêm nhiều nữa” – đổ thêm tài chính, thêm trang thiết bị quân sự, thêm nhiều chương trình huấn luyện…

Khi thực tế không được như kỳ vọng

Kinh nghiệm qua các giai đoạn lịch sử cho thấy, hỗ trợ quân đội tại những quốc gia non yếu và bất ổn không phải “liều thuốc chữa bách bệnh” như giới chức an ninh nước này kỳ vọng. Trên thực tế, kết quả từ chính sách này cho thấy sự “nửa vời” và không đạt kết quả như mong muốn.

Vấn đề lớn nhất đối với nỗ lực xây dựng quân đội nước ngoài của Mỹ là đặt ra những mục tiêu cao hơn kỳ vọng, không đánh giá đầy đủ thực trạng đất nước, cơ cấu và năng lực của quân đội nước sở tại.

Chẳng hạn như trong cuộc chiến tại Yemen kéo dài từ năm 2007 đến năm 2011, chính phủ Mỹ đã phân bổ hơn 500 triệu USD để hỗ trợ quân đội Yemen chống lại tổ chức khủng bố Al Qaeda và nhiều nhóm nổi dậy. Chủ yếu tập trung vào kế hoạch chống khủng bố, Mỹ đã không thể hiểu được rằng thách thức an ninh không phải là vấn đề duy nhất mà Yemen phải đối mặt. Một thách thức khác đó là vấn đề tham nhũng, lạm quyền trong chính phủ Yemen thời điểm đó.

Cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh kể từ khi lên nắm quyền đã tìm cách đưa những người thân thích vào chính quyền. Các chuyên gia điều tra của Liên Hợp Quốc đã tố giác ông này giàu nhờ thâm lạm công quỹ, tống tiền và lạm dụng quyền lực.

Theo một số nguồn tin, ông Saleh cũng vơ vét nguồn ngân sách hỗ trợ của Mỹ để làm giàu và tăng cường quyền lực. Đến năm 2015, khi Yemen chìm sâu vào cuộc nội chiến, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ chính thức thừa nhận rằng họ đã thất bại trong việc theo dõi sự luân chuyển của trang thiết bị quân sự trị giá hàng triệu đô la Mỹ và cũng không nắm được liệu những loại vũ khí này có bị dùng sai mục đích hay không.

Những nỗ lực của Mỹ trong việc hỗ trợ quân đội Mali cũng sụp đổ vì những lý do tương tự. Tướng Carter Ham, Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Châu Phi từ năm 2011 đến năm 2013 đã giải thích, sự trợ giúp quân sự cho Mali "tập trung hầu như vào các vấn đề chiến thuật hay kỹ thuật".

Cách tiếp cận của Mỹ chỉ tập trung vào chương trình huấn luyện mà không tăng cường năng lực toàn diện của quân đội Mali như cơ cấu, tổ chức, kỷ luật và sứ mệnh. Kết quả là, lực lượng quân đội Mali đã không thể trụ vững được các binh sỹ phản loạn tiến hành cuộc đảo chính quân sự vào ngày 21/3/2012, lấy đi tất cả những khí tài quân sự mà Mỹ đã hỗ trợ cho quân đội nước này. Nguyên nhân đảo chính do chính phủ không cung cấp đủ vũ khí và nguồn lực để quân đội đối phó trước phiến quân Tuareg và các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở miền Bắc.

Tại Afghanistan và Iraq, tình hình khác biệt hơn khi Mỹ triển khai quân đội đến hai quốc gia song song với hỗ trợ tài chính. Ở hai nước này, Mỹ đã chỉ hàng tỷ USD để xây dựng quân đội gồm hàng trăm nghìn binh sỹ. Tuy nhiên, Mỹ đã bỏ qua những câu hỏi lớn về nhiệm vụ, cơ cấu và việc lãnh đạo các lực lượng này. Do vậy dù dốc sức xây dựng quân đội các nước sở tại song hiệu quả hoạt động của họ vẫn không cao.

Đối tác không hài lòng?

Bất chấp các nỗ lực của Mỹ, những quốc gia nhận sự hỗ trợ về quân sự vẫn tỏ ra không hài lòng với chất lượng, số lượng và thời gian mà Mỹ dành cho họ. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi sống cùng với sự bất ổn và mối đe dọa thường nhật, những nước nêu trên đều mong muốn có được sự giúp đỡ ngay lập tức và nhiều hơn mong đợi. Trong khi đó, điều kiện tài chính và năng lực quân đội của Mỹ lại có hạn.

Minh chứng điển hình là trong cuộc xung đột tại Lebanon. Mỹ đã công bố chương trình hỗ trợ 1 tỷ USD để giúp Lebanon xây dựng quân đội sau năm 2005 khi quân đội Syria rút khỏi quốc gia này. Washington cho rằng Lebanon cần viện trợ khẩn cấp để tăng cường kiểm soát lại các vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, phải mất hơn 1 năm sau, Mỹ mới hiện thực hóa mục tiêu này và tiếp một năm nước để thiết lập chương trình đào tạo quân sự cũng như cung cấp trang thiết bị cho Lebanon, bao gồm xe cộ, vũ khí hạng nhẹ, súng trường và thiết bị nhìn xuyên đêm. Thất vọng bởi sự trì hoãn từ đối tác Mỹ, Lebanon đã lên tiếng chỉ trích Mỹ, thậm chí tìm kiếm sự giúp đỡ từ Nga.

Một bài học khác có thể coi là “thất bại cay đắng” đối với Mỹ đó là chiến trường Syria, khi Mỹ bị cả đồng minh người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ “ngoảnh mặt quay lưng”. Dù là đồng minh lâu dài trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, nhưng Thổ Nhĩ cho rằng Tổng thống Trump dường như chưa bao giờ quan tâm đến lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về quyết định vũ trang cho lực lượng người Kurd tại Syria.

Quyết định tấn công lực lượng người Kurd tại Afrin là để đáp trả quyết định của Mỹ thành lập lực lượng bảo vệ biên giới tại Syria, trong đó chủ yếu là người Kurd. Còn về phía người Kurd, cho rằng bị Mỹ cắt viện trợ và bỏ rơi trên chiến trường, đã quay sang cầu viện chính phủ Syria để chống lại các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo các nhà phân tích, Mỹ cần phải rút ra bài học từ những thất bại nêu trên, thay vì chỉ tập trung vào đào tạo và cung cấp trang thiết bị cho quân đội nước sở tại, Mỹ cần phải nắm rõ tình hình chính trị của mỗi quốc gia, lập mục tiêu rõ ràng song song với đánh giá từng giai đoạn thực thi hoạt động hỗ trợ.

Mara Karlin, chuyên gia phân tích chính trị cho biết, Mỹ cần phải nhìn nhận thực tế và cố gắng giải quyết gốc rễ vấn đề dẫn đến sự bất ổn của mỗi quốc gia mà nước này hỗ trợ thay vì “ném tiền qua cửa sổ” một cách không cần thiết./.

Hồng Anh/VOV.VN

Hồng Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/quan-su-quoc-phong/can-thiep-quan-su-o-nuoc-ngoai-my-thanh-cong-hay-that-bai-dau-don-737852.vov