Cần thêm tiêu chí xác định danh mục dịch vụ công lập sử dụng ngân sách nhà nước

Sau một thời gian áp dụng trên thực tế, cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã phát huy nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả vẫn còn một số vướng mắc cần xử lý thông qua các quy định pháp luật.

Nghị định 16 là khung quy định các vấn đề chung về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Ảnh: T.Linh

Nghị định 16 là khung quy định các vấn đề chung về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Ảnh: T.Linh

Tăng quyền tự chủ

Để nâng cao chất lượng dịch vụ công và phát huy tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo thống kê, ngay sau khi Nghị định 16 có hiệu lực, tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập đã có những bước thay đổi căn bản. Trong 57.171 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện giao cơ chế tự chủ về tài chính theo các mức độ khác nhau, có 123 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, chiếm tỷ lệ 0,22%; có 1.934 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, chiếm tỷ lệ 3,38%; có 12.968 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, chiếm tỷ lệ 22,68%; số còn lại (42.146 đơn vị, chiếm tỷ lệ 73,72%) do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động.

Bên cạnh đó, các đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục đẩy mạnh thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, từng bước tính chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp trong giá dịch vụ theo khả năng của ngân sách nhà nước và thu nhập của người dân, tạo sự minh bạch, góp phần giảm chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Điển hình, trong lĩnh vực y tế, năm 2018 giảm cấp chi thường xuyên là 89,5 tỷ đồng; năm 2019 tiếp tục giảm cấp chi thường xuyên 89 tỷ đồng. Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, năm 2018 đã giảm 153 tỷ đồng; năm 2019 đã giảm 146 tỷ đồng.

Việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp đã tạo sự đồng thuận cao do tăng cường được tính chủ động cho các đơn vị tự chủ từ biên chế, bộ máy đến các hoạt động thu chi tài chính, từ đó góp phần giúp các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng, hiệu quả tối ưu. Trên cơ sở quy chế chi tiêu nội bộ, thủ trưởng các đơn vị được tự quyết định mức chi quản lý, chi nghiệp vụ trên cơ sở quy định của Nhà nước tùy theo nội dung và hiệu quả công việc trong phạm vi nguồn tài chính của đơn vị. Đây là quy định tạo động lực phấn đấu cho các đơn vị, nhằm tăng cường tối đa nguồn thu được phép sử dụng, tiến tới tăng dần mức độ tự chủ. Ngoài việc đảm bảo tiền lương cơ bản theo ngạch bậc do Nhà nước quy định, các đơn vị tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên đều đã có nguồn để tăng thu nhập cho người lao động ở mức độ khác nhau tùy theo khả năng thu và tiết kiệm chi của đơn vị.

Đơn cử ở Nghệ An, địa phương triển khai khá tốt chủ trương này, đến nay, 100% các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Các lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao như y tế, giáo dục, dạy nghề đang có thay đổi tích cực, giảm dần hỗ trợ từ ngân sách. Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh là 1.832 đơn vị, bao gồm 187 đơn vị cấp tỉnh và 1.645 đơn vị cấp huyện, trong đó, 100% đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh (187/187 đơn vị) đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính giai đoạn 2017 - 2020 theo tinh thần Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.

Tuy nhiên, khối huyện vẫn còn 3 đơn vị chưa được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính (chiếm tỷ lệ 0,16% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập toàn tỉnh). Trong tổng số đơn vị sự nghiệp công lập trên có 1 đơn vị (Bệnh viện đa khoa TP. Vinh) tự đảm bảo chi đầu tư và chi thường xuyên; 64 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (chiếm tỷ lệ 3,49%); số còn lại là các đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên.

Xây dựng văn bản hướng dẫn còn chậm

Tuy nhiên, trên thực tế, theo phản ánh của các đơn vị, việc thực hiện vẫn còn vướng mắc. Cụ thể như việc xây dựng văn bản hướng dẫn Nghị định 16 còn chậm, mới chỉ có 2/8 nghị định cụ thể hóa được ban hành; cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho cung cấp dịch vụ công về cơ bản vẫn thực hiện theo yếu tố đầu vào, chưa gắn việc giao dự toán với số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ công.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi từ phí sang giá và lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công chưa kịp thời. Hiện nay, mới chỉ có lĩnh vực y tế ban hành khung giá dịch vụ khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế và không có bảo hiểm y tế. Việc giao tài sản cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn như doanh nghiệp còn chậm. Việc thanh tra, kiểm tra và đánh giá hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế do thiếu các tiêu chí đánh giá chất lượng từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công.

Trong thời gian qua, đã có khá nhiều văn bản pháp luật về đầu tư, tài chính được ban hành và có hiệu lực. Do đó, cần ban hành các quy định mới nhằm điều chỉnh hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến việc thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo ông Nguyễn Viết Lợi – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), trong thời gian tới, cần ban hành tiêu chí xác định danh mục dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập hạch toán chính xác doanh thu, chi phí của các dịch vụ sự nghiệp công; đồng thời các cơ quan tài chính có cơ sở để tham gia ý kiến với các bộ, ngành về nội dung danh mục. Tiêu chí xác định danh mục dịch vụ công lập sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng bao gồm các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu do ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí được quy định tại các luật chuyên ngành; bên cạnh đó là các dịch vụ phục vụ nhiệm vụ chính trị, quản lý nhà nước, dịch vụ không có khả năng xã hội hóa.

Cũng theo ông Lợi, chúng ta cần quy định về giá dịch vụ sự nghiệp công và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước. Đối với các lĩnh vực chưa ban hành được định mức kinh tế - kỹ thuật để xác định giá dịch vụ công thì cần có quy định về việc xác định giá, theo đó các chi phí trực tiếp và quản lý để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công có thể được xác định theo số thực hiện bình quân của các năm trước. Đối với một số loại dịch vụ công mang tính thiết yếu, ảnh hưởng đến an sinh xã hội trong lĩnh vực y tế, giáo dục sẽ chưa tính được đầy đủ chi phí cung cấp dịch vụ trong giá thì vẫn cần tiếp tục duy trì cơ chế Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí cho hoạt động.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/can-them-tieu-chi-xac-dinh-danh-muc-dich-vu-cong-lap-su-dung-ngan-sach-nha-nuoc-135366-135366.html