Cần thêm thời gian để SCIC trở thành Temasek của Việt Nam

Tỷ lệ kết quả thu về của SCIC đạt trung bình 2,5 lần mệnh giá trong khi tại các Tổng công ty khác tỷ lệ này chỉ là là 1,5-1,7 lần. Minh bạch và chuyên nghiệp là hai yếu tố ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc cho là quan trọng nhất để đạt được hiệu quả.

Chia sẻ tại Buổi tọa đàm NDH Talk 2 với chủ đề “Thị trường chứng khoán 20 năm và bước chuyển của dòng vốn ngoại” , ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) khẳng định yếu tố quan trọng nhất để thoái vốn đạt hiệu quả là phải công khai minh bạch và thực hiện chuyên nghiệp.

Ông Lê Song Lai

Ông Lê Song Lai cho biết tỷ lệ kết quả thu về của SCIC đạt trung bình 2,5 lần mệnh giá trong khi tại các Tổng công ty khác tỷ lệ này chỉ là là 1,5-1,7 lần.

Đây là một trong những điều mà theo ông Lê Song Lai tự đánh giá là thành công mà SCIC đạt được trong thời gian hoạt động.

Theo đại diện của SCIC, yếu tố quan trọng nhất là phải công khai minh bạch để giúp nhiều nhà đầu tư có cơ hội tham gia mua cổ phần. SCIC công khai kế hoạch thoái vốn trên web, sở GDCK, công khai phương thức thoái vốn, phần lớn bán vốn công khai cả lô rồi mới bán thỏa thuận. Thông tin doanh nghiệp cũng được công bố bằng tiếng anh để NĐTNN có cơ hội tham chiếu. Đối với các doanh nghiệp mà Tổng công ty này đang quản lý, SCIC cũng thúc đẩy doanh nghiệp sớm lên sàn để tốt cho doanh nghiệp và cổ đông nhà nước.

Còn để đảm bảo tính chuyên nghiệp, SCIC sử dụng dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức đấu giá từ các tổ chức có chức năng như các công ty chứng khoán.

Ông Lai nhận định "Thông qua phương thức công khai, chuyên nghiệp, hoạt động thoái vốn nhà nước sẽ hiệu quả hơn".

Thị trường đã có 20 năm phát triển, cơ quản quản lý đã trưởng thành, quy định có sự cải tiến tích cực, đồng thời với quá trình cổ phần hóa diễn ra nhanh chóng thì tương lai thị trường chứng khoán rất tốt.

Trải lòng về hoạt động của SCIC, ông Lê Song Lai cho biết ban đầu khi thành lập, SCIC được kỳ vọng trở thành Temasek của Việt Nam nhưng vì nhiều lý do, mục tiêu đó cần thêm thời gian để thực hiện.

Dù vậy, những thành tựu mà SCIC đạt được là không thể phủ nhận. Điều đầu tiên SCIC đã đề ra phương thức quản lý đối với vốn nhà nước, chuyển từ mô hình quản lý tập trung sang mô hình quản lý qua doanh nghiệp đầu tư vốn. Theo ông Lê Song Lai, nếu muốn quản lý vốn nhà nước có hiệu quả thì cần sớm nhất quản lý qua doanh nghiệp như một người chơi trên thị trường.

Bên cạnh việc tiếp nhận vốn nhà nước, SCIC còn là bên cung cấp nhiều hàng hóa có chất lượng. Trong 1.000 doanh nghiệp tiếp nhận, SCIC đã thoái vốn toàn bộ tại hơn 40 doanh nghiệp. Và tới đây, SCIC sẽ tiếp tục thoái vốn tại doanh nghiệp được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Thời gian tới, SCIC sẽ tiếp nhận thêm 200 doanh nghiệp, tạo thêm hàng cho doanh nghiệp giúp thị trường phát triển.

Chia sẻ trong buổi Tọa đàm, ông Lai cũng cho biết hiện nay, SCIC đang tiến hành thoái vốn 9% tại VNM. Khi thoái vốn tại các doanh nghiệp này có ba yêu cầu đặt ra là tối ưu hóa giá trị Nhà nước thu về, doanh nghiệp sau thoái vốn hoạt động tốt và đảm bảo sự ổn định của thị trường. Sang năm tới SCIC sẽ tiếp tục thoái vốn tại FPT, SGC…

Theo chủ trương, Nhà nước sẽ thoái toàn bộ kể cả các doanh nghiệp đang làm ăn tốt. Ông Lai kỳ vọng trong thời gian tới, quá trình Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và đưa lên sàn chứng khoán giao dịch sẽ đạt kết quả tích cực, thêm nhiều hàng hóa từ Nhà nước cung cấp ra thị trường để nhà đầu tư lựa chọn.

Xem thêm: [Live] NDH Talk: 20 năm thị trường chứng khoán và bước chuyển của dòng vốn ngoại

Ông Vũ Bằng: Vốn hóa cổ phiếu có thể đạt tới 100% GDP

Nguồn NDH: http://ndh.vn/can-them-thoi-gian-de-scic-tro-thanh-temasek-cua-viet-nam-20161117095155247p4c146.news