Cần thêm nhiều cơ chế quản lý

Hiện nay, nhu cầu vay tiền để phục vụ các nhu cầu tiêu dùng đang ngày càng tăng với nhiều kiểu dịch vụ hỗ trợ tài chính khác nhau. Phần lớn các công ty tài chính, đơn vị cung cấp các dịch vụ cho vay tiêu dùng theo hình thức tín chấp tại Đồng Nai có trụ sở tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM… nên việc quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

Các nhân viên tư vấn của một công ty tài chính tư vấn, giới thiệu các chương trình vay vốn trả góp các sản phẩm điện máy, điện tử tại một trung tâm điện máy ở TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương

Các nhân viên tư vấn của một công ty tài chính tư vấn, giới thiệu các chương trình vay vốn trả góp các sản phẩm điện máy, điện tử tại một trung tâm điện máy ở TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương

* Luôn phải thận trọng trước các hợp đồng vay

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho hay, một số trường hợp, đơn vị cho vay tiêu dùng có thể lách luật bằng những điều khoản ràng buộc trong hợp đồng, các khoản phụ phí khiến cho mức lãi suất cho vay cao hơn so với quy định hiện hành.

Khi muốn vay tiêu dùng, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ tài chính, người dân cần kiểm tra kỹ thông tin chi tiết của từng khoản phí, khi vay vốn cần có hợp đồng vay mượn rõ ràng, đầy đủ theo các quy định của pháp luật, thông tin vay nợ, lãi suất minh bạch...

Theo luật sư Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh, theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 cho phép lãi suất thỏa thuận giữa khách hàng với tổ chức tín dụng do Nhà nước cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật. Phần lớn khoản vay tiêu dùng cá nhân từ các công ty tài chính đều là các hợp đồng có lãi suất thỏa thuận nên hợp pháp. Tuy nhiên, không phải người vay nào cũng tìm hiểu kỹ các quy định ràng buộc…

“Các dịch vụ, công ty tài chính phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng, trong đó giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cơ bản tại hợp đồng cho vay, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của khách hàng, các hình thức thu nợ… Đặc biệt về lãi suất cho vay cần được rõ ràng, cụ thể. Lãi suất nên được tính trên dự nợ giảm dần thay vì tính trên dư nợ gốc để giảm tỷ lệ rủi ro cho người vay” - luật sư Định chia sẻ.

* Nhiều quy định mới

Hiện nay, Thông tư 19/2019/TT-NHNN năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là thông tư mới nhất quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-1-2020.

Ông Phạm Quốc Bảo cho biết, một trong những điểm mới của thông tư này là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh ở các tỉnh, thành phố được quyền phối hợp cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến tổ chức, hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của tổ chức tài chính vi mô trên địa bàn.

Do đó, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai có kế hoạch tổ chức các đợt thanh tra, giám sát thường xuyên, đột xuất việc tuân thủ quy định nội bộ, quy định của pháp luật về hoạt động cho vay tiêu dùng, hoạt động của các công ty tài chính vi mô trên địa bàn tỉnh.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai sẽ phối hợp với những đơn vị liên quan và các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác cảnh báo người dân về các hoạt động cho vay tiêu dùng trá hình, tiềm ẩn nguy cơ “tín dụng đen”. Đồng thời, đơn vị sẽ tuyên truyền, giới thiệu các hình thức, dịch vụ cho vay phù hợp, đảm bảo các quy định của pháp luật.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, Thông tư 18/2019/TT-NHNN năm 2019 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính có hiệu lực từ ngày 1-1-2020.

Thông tư này quy định, các công ty tài chính không được nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Cũng theo quy định mới thì số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày; hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng, nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7-21 giờ.

Hải Quân

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202003/can-them-nhieu-co-che-quan-ly-2992033/