Cần thể chế 'mềm' trong quản lý mạng xã hội

'Mặt trái của mạng xã hội luôn tồn tại và không thể xóa bỏ, mà chỉ có thể hạn chế nó. Vì vậy, bên cạnh những quy định của pháp luật, cần có một thể chế 'mềm' và việc ban hành một bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết'.

Đó là nội dung phát biểu của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo tại hội thảo góp ý kiến xây dựng "Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam", chiều 11-12.

Tiếp cận Bộ Quy tắc ở góc độ truyền thông, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Trưởng khoa Phát thanh truyền hình (thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: "Hiện nay, có không ít nhà báo 'hai mặt', khi viết bài, đăng tải sản phẩm của mình trên mặt báo thì có một quan điểm khác, nhưng khi tham gia mạng xã hội lại mang một "bộ mặt" khác, thể hiện quan điểm khác. Hiện tượng này được diễn ra nhiều trong thực tế và cách sử dụng mạng xã hội này cần được điều chỉnh, với đối tượng cụ thể là nhà báo - những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, vì vậy cần phải tuân thủ những chuẩn mực đạo đức, ứng xử trên mạng xã hội.

Từ kinh nghiệm trong nghiên cứu, làm việc với các cơ quan, tổ chức nước ngoài, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang đưa ra khuyến nghị, các cơ quan báo chí nên yêu cầu nhà báo tham gia mạng xã hội phải chính danh; nhà báo không đăng thông tin "hai mặt" trái với thông tin đã đưa trên báo chí, vì dù mạng xã hội là cá nhân nhưng khi đưa thông tin lên mạng xã hội thì người đăng vẫn là nhà báo. Thêm nữa, bên cạnh Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được xây dựng chung, nhưng các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức,... vẫn nên xây dựng những quy định riêng cho mình về việc sử dụng mạng xã hội.

Nói về việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, ông Đỗ Quý Vũ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) nêu rõ, Bộ Quy tắc được xây dựng trên những quan điểm: Tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận hành và sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới xã hội, tổ chức và cá nhân. Bộ Quy tắc đưa ra bốn quy tắc chung, bao gồm: Tôn trọng, trách nhiệm, lành mạnh và an toàn. Ngoài các quy tắc chung này, còn có các quy tắc riêng đối với các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ phải tuân thủ theo các mức độ: Nên hoặc không nên, phải hoặc không được. "Bộ Quy tắc không đi ngược lại với các cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Bộ Quy tắc cũng không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng trong và ngoài nước" - ông Đỗ Quý Vũ khẳng định.

Còn theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã liên tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật trong quản lý, phát triển mạng xã hội. Mục tiêu chính của việc nghiên cứu, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm phát triển mạng xã hội lành mạnh, an toàn, có ích cho người sử dụng; thúc đẩy tác động tích cực của mạng xã hội cho cộng đồng, tổ chức và cá nhân; hạn chế tối đa tác động tiêu cực của mạng xã hội, ngăn ngừa có hiệu quả sự lan truyền và mặt trái của mạng xã hội, trong đó có các thông tin xấu, độc.

Cũng theo Thứ trưởng, sau cuộc tọa đàm ngày 18-5-2018, với sự tham gia của các đơn vị trong Bộ, các hiệp hội có liên quan và các cơ quan báo chí, đơn vị soạn thảo đã tiến hành bổ sung, chỉnh sửa nội dung dự thảo Bộ Quy tắc.

Cùng với việc tổ chức hội thảo "Xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam" ở Hà Nội, Bộ tiếp tục tổ chức tại TP Hồ Chí Minh với mong muốn nhận được góp ý rộng rãi trong các tầng lớp của xã hội nhằm xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Việt Nam khoa học, phù hợp với thực tiễn và chuẩn mực, thông lệ quốc tế, khả thi trong triển khai, thực hiện.

Châu Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Cong-nghe/921267/can-the-che-mem-trong-quan-ly-mang-xa-hoi