Cần thay đổi thói quen sử dụng đèn chiếu xa trong các khu vực đông dân cư

Dù trong Luật Giao thông đường bộ đã có quy định nghiêm cấm các phương tiện sử dụng đèn chiếu xa trong khu vực đông dân cư. Thế nhưng, thực tế tại nhiều tuyến đường nội đô Hà Nội vẫn tiếp diễn tình trạng người tham gia giao thông sử dụng đèn chiếu xa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với chủ các phương tiện đi ngược chiều.

Đèn pha (hay còn được gọi là đèn chiếu xa) là một bộ phận quan trọng của phương tiện giao thông, giúp người lái dễ dàng kiểm soát tầm nhìn dài, quan sát tốt hơn khi tham gia giao thông vào đêm tối.

Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông vẫn chưa nắm rõ quy định về việc sử dụng đèn chiếu xa và có thói quen bật đèn chiếu xa một cách vô tội vạ khi tham gia giao thông.

Người tham gia giao thông sử dụng đèn chiếu xa tại khu vực nội thành tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cho các phương tiện lưu thông ngược chiều.

Người tham gia giao thông sử dụng đèn chiếu xa tại khu vực nội thành tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cho các phương tiện lưu thông ngược chiều.

Chia sẻ với phóng viên về thói quen sử dụng đèn chiếu xa, bạn Nguyễn Thúy Tâm (Phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) cho biết: “Mình là nhân viên bán hàng nên thường xuyên phải tăng ca và về khá muộn. Khi di chuyển vào buổi tối mình thường sử dụng đèn chiếu xa bởi vì đèn chiếu xa cho mình tầm nhìn rộng, tránh được những tình huống bất ngờ và nhìn thấy được những vật cản đường từ xa để có thể tránh kịp thời.

Vì sử dụng quen đèn chiếu xa nên mình không có thói quen chuyển đèn pha sang cốt khi gặp phương tiện đi ngược chiều. Bản thân mình cũng không biết rằng nếu sử dụng đèn pha khi tham gia giao thông trong nội đô là vi phạm Luật Giao thông vì không chỉ mình và rất nhiều chủ phương tiện tham gia giao thông nữa đang mắc phải lỗi này”.

Khi tham gia giao thông vào ban đêm, đa phần người lái xe đều sử dụng đèn chiếu xa, thế nhưng chính điều này lại khiến người đi ngược chiều khó chịu, bởi ánh sáng quá mạnh của đèn chiếu xa làm giảm tầm nhìn, gây lóa mắt, có thể khiến người đi ngược chiều bị mất phương hướng dẫn đến bị ngã xe hoặc va chạm với xe khác.

Theo nghề cầm vô lăng đã nhiều năm, anh Hoàng Thiên Long Hải (quê ở Lào Cai) chia sẻ: “Khi điều khiển xe lưu thông trong nội đô, mình chỉ sử dụng đèn chiếu gần (đèn cốt) để tránh làm ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông ngược chiều. Bản thân mình khi lái xe cũng rất khó chịu khi gặp phải những phương tiện có trọng tải lớn sử dụng đèn chiếu xa vì nó có thể dễ gây "quáng gà" dẫn đến tai nạn không mong muốn, do đó, để giữ an toàn cho chính mình và mọi người thì mình chỉ chuyển đèn chiếu xa khi tới các nơi vắng, cách xa khu dân cư".

Đa số người tham gia giao thông khi được hỏi đều cho rằng, sở dĩ vẫn tồn tại tràn lan tình trạng người tham gia giao thông lạm dụng đèn chiếu xa là bởi chế tài phạt vẫn chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, tại điểm b, điểm g Khoản 3 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, nếu người điều khiển xe ô tô vi phạm các quy định về bật đèn chiếu xa nêu trên thì mỗi hành vi vi phạm bị xử phạt từ 600.000 – 800.000 đồng.

Đối với người điều khiển xe máy, nếu sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều thì bị phạt tiền từ 60.000 đến 80.000 đồng theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Phạt tiền từ 80.000 – 100.000 đồng theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP nếu người điều khiển sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư.

Như vậy, để hạn chế những tai nạn đáng tiếc từ việc sử dụng đèn chiếu xa, mỗi người cần nâng cao ý thức, tuyệt đối không sử dụng đèn chiếu xa khi tham gia giao thông trong nội đô, đặc biệt là trong khu vực đông dân cư.

Cùng đó, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm những trường hợp các phương tiện sử dụng đèn chiếu xa để răn đe, làm gương cho các chủ phương tiện khác.

Lương Hằng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-thay-doi-thoi-quen-su-dung-den-chieu-xa-trong-cac-khu-vuc-dong-dan-cu-95973.html