Cần thay đổi quan niệm dạy học sinh ngoan ngoãn, biết vâng lời

Xâm hại tình dục là vấn đề còn khoảng trống pháp lý lớn. Xâm hại tình dục trong trường học càng khó xử lý. Để bảo vệ nạn nhân trong môi trường giáo dục hiện nay, mới chỉ nêu vấn đề, chưa có cơ chế thực hiện- LS.Nguyễn Văn Tú, Cty luật Fanci cho biết.

Tại buổi tọa đàm “Xâm hại trong học đường” do Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới-gia đình-phụ nữ và vị thành niên CSAGA tổ chức, TS tâm lý Đinh Đoàn cho biết: Khi ông tham gia các lớp tập huấn phòng chống xâm hại cho giáo viên thì điều nhận thấy rõ là chính các thầy cô cũng không nắm được luật. Có lẽ vì thế nên nhiều người mới hồn nhiên nghĩ, sờ mông, đùi, chạm vào bộ phận sinh dục của học sinh… là một trò vui.

Nhà trường cũng là nơi làm việc, thầy cô cũng là con người phải tiếp xúc với trẻ hàng ngày nên nguy cơ xâm hại trẻ em cũng có thể xảy ra như ở bất cứ môi trường nào khác. Cần phải giao trách nhiệm cho người đứng đầu, nếu xảy ra xâm hại trẻ em thì việc đầu tiên thuộc về hiệu trưởng. Các thầy cô cũng cần nắm được luật, nên trích ra những gì liên quan thiết thực nhất để giáo viên nắm được họ làm vậy là phạm luật.

Theo TS Đinh Đoàn, hiện nay, các nhà trường cũng mời chuyên gia dạy về phòng chống xâm hại cho trẻ. Họ dạy trẻ không nhận quà từ người lạ, cách thoát hiểm khi gặp nguy hiểm… nhưng không ai nói đến việc giáo viên sờ vào người, rủ đi vệ sinh cùng… thì các con phải phản ứng như thế nào.
“Đã đến lúc cần thay đổi quan niệm dạy học sinh ngoan ngoãn, biết vâng lời thầy cô, vì thực tế cho thấy làm vậy không khác gì hại học sinh. Chỉ ngoan ngoãn vâng lời khi con cho những điều đó là đúng. Không phải giáo viên nói gì cũng đúng và con đều phải nghe theo…”, TS Đinh Đoàn nêu.

TS. Tâm lý Đinh Đoàn: Nhiều thầy cô cũng không nắm được luật về phòng chống xâm hại trẻ em. (Ảnh T.A)

TS. Tâm lý Đinh Đoàn: Nhiều thầy cô cũng không nắm được luật về phòng chống xâm hại trẻ em. (Ảnh T.A)

Bà Nguyễn Vân Anh, GĐ CSAGA cho rằng, hiện nay các trường học được gán cho quá nhiều mỹ từ, danh hiệu cao quý nên ngăn cản chúng ta hành động nghiêm khắc giống như với các nơi khác. Không gian an toàn cho trẻ em, nhất là trường học càng cần có biện pháp tốt nhất để đảm bảo an toàn cho trẻ em.

“Trẻ em cả về tinh thần, thể xác, ý thức, hiểu biết, khả năng chống đỡ-mọi mặt đều yếu nên trường học là nơi càng phải lưu ý hơn đến an toàn cho trẻ khi mối quan hệ quyền lực tồn tại… Những vấn đề này không phải chỉ là quy định trên giấy, mà cần phải là sự thấu hiểu nếu không giáo viên sẽ vẫn giữ suy nghĩ ôm hôn học trò một cái thì có làm sao. Thực tế không phải chỉ sờ vào vị trí nhạy cảm, mà cần phải ý thức được nếu sờ vào bất cứ vị trí nào trên cơ thể mà khiến người ta khó chịu đều là không được phép”, bà Vân Anh nhấn mạnh.

LS Nguyễn Văn Tú bày tỏ: Trong Bộ luật Hình sự 2015 có một số hành vi được coi là nghiêm trọng nhất gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, giao cấu,… Trong khi thực tế đời sống tình dục có trăm ngàn hành vi khác nhau. Tấn công tình dục nghiêm trọng mới đưa vào luật nhưng ngay cả đưa vào luật rồi cũng không có định nghĩa, khái niệm như thế nào là dâm ô, hiếp dâm. Không có khái niệm dẫn đến vướng cho tất cả các cơ quan và những người thực thi không thể kết tội.

Ví dụ điển hình là việc xét xử ông Nguyễn Hữu Linh-nguyên Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng có hành vi ôm hôn bé gái trong thang máy nhưng do không có định nghĩa về các hành vi dâm ô nên cơ quan xét xử không quan tâm đến mặt chủ quan của tội phạm, chỉ quan tâm xem ông ta đang làm gì. “Cơ quan xét xử đã làm khó cơ quan điều tra khi không thể xác định được cái tay của ông này đang làm gì (trong camera tay bị cơ thể che khuất). Thực tế, nếu từ hành vi đó mà ông ta thỏa mãn là đủ kết tội có quấy rối tình dục, đây cũng là một dạng xâm hại”, LS Tú phân tích.

Trước những bất cập trong xử phạt các vụ dâm ô trẻ em mới đây, TAND tối cao vừa đưa ra một dự thảo về việc hướng dẫn áp dụng một số điều trong nhóm tội xâm hại tình dục (XHTD) của Bộ luật Hình sự 2015. Tại dự thảo này, các hành vi sờ, hôn... vào bộ phận sinh dục, ngực, mặt, đầu, đùi, mông... của trẻ em có thể bị kết tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.

LS Tú cho biết, Điều 75, Luật Giáo dục (Sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp vừa qua có quy định một số hành vi nghiêm cấm với thầy cô, nghiêm cấm xâm hại thân thể học sinh. Trước đó, trong Nghị định 80 năm 2017 Chính phủ ban hành quy định về bạo lực học đường nhưng trong văn bản này không nhắc gì đến bạo lực tình dục mà chỉ đề cập đến phải đảm bảo môi trường lành mạnh trong nhà trường về phòng chống bạo lực học đường với phần lớn các quy định mang tính phòng ngừa, xác định môi trường thế nào là an toàn…

“Cần có một khảo sát xã hội để nhận diện những nguy cơ bạo lực trong môi trường học đường. Nhà nước nên có điều tra xã hội học xem môi trường học đường đang tồn tại vấn đề gì, các nguy cơ xảy ra bạo lực để thấy hiện trạng rõ ràng nhất. Sau đó lựa chọn cơ quan có trách nhiệm giải quyết vấn đề này. Luật pháp không nên quy định cứng nhắc về mối quan hệ của các cơ quan này. Nhu cầu được cho trẻ an toàn là nhu cầu dân sự, dịch vụ có trả công, nên hoàn toàn có thể xã hội hóa”, LS Tú đề xuất.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-thay-doi-quan-niem-day-hoc-sinh-ngoan-ngoan-biet-vang-loi-153874.html