Cần thay đổi nhận thức khi tham gia lễ hội

Những ngày đầu Năm mới, đi lễ cầu tài lộc vốn là một nét đẹp văn hóa. Tuy nhiên, gần đây, hành động chen lấn, xô đẩy ở các lễ hội đã và đang làm mai một đi ý nghĩa của lễ hội. Báo TG&VN đã có cuộc trò chuyện với Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng về vấn đề này.

Nhìn cảnh chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lộc ở một số lễ hội trong những năm trở lại đây, có phải ý nghĩa về văn hóa tâm linh đang bị hiểu sai, thưa ông?

Nói một cách thẳng thắn thì không ít lễ hội đang có chiều hướng bị suy thoái, lợi dụng giá trị tâm linh. Phần lớn người ta đến với chùa chiền, lễ hội để cầu an, cầu may. Tuy nhiên, không ít người lại bước vào những nơi bảo tồn văn hóa tâm linh ngàn đời với tâm thế rất thô tục. Từ việc ăn mặc phản cảm, nói năng thiếu văn hóa, ăn uống bày bừa, xả rác mất vệ sinh đến việc huy động mục tiêu cá nhân, trục lợi tâm linh, hối lộ thần thánh, giành giật đồ cúng vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi.

Một số người tự cho mình quyền tranh đồ, cướp lộc rất tự nhiên. Họ đang góp phần làm cho lễ hội bị biến thành nơi kẻ chợ, mất đi vẻ thâm nghiêm, thiêng liêng, thứ văn hóa truyền thống quý báu của ông cha.

Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Có ý kiến cho rằng, giành giật, chen lấn là bản chất của con người chứ không phải bản chất của lễ hội nên phải giải quyết từ phía con người chứ không phải về lễ hội. Quan điểm của ông như thế nào?

Đương nhiên lễ hội không tự làm xấu mình. Con người tạo ra lễ hội, tạo ra cả giá trị tâm linh, sự thiêng liêng. Đồng thời, chính con người đang vô tình làm xấu đi bộ mặt lễ hội. Cái đang bị tha hóa mạnh nhất chính là ý thức, văn hóa tham gia lễ hội của một bộ phận.

Nhiều nghi lễ, thủ tục, phương cách hành lễ như rước kiệu thánh, dâng trà, tửu, cỗ, vật tế là nghi lễ đẹp. May mắn là nhiều nơi vẫn còn gìn giữ những nghi lễ mang tính phồn thực có giá trị văn hóa - lịch sử - tâm linh như rước nước, dâng bánh, ném còn, cưỡi ngựa… Tuy nhiên, rất nhiều nơi người ta đã “chèn” vào lễ hội những chiêu trò buôn thần, bán thánh, tìm cách tăng thu nhập, chiếm đoạt đồ lễ, thỏa mãn những mục tiêu cá nhân.

Phải chăng chính lối sống thực dụng, coi nặng vật chất đang len lỏi vào cả chốn tâm linh?

Điều này phản ánh rõ cái tôi, nhân cách bị tha hóa của một bộ phận trong xã hội. Nhiều người coi “lộc” cướp được ở đền, chùa, lễ hội như là một dạng chiến lợi phẩm, như là trình độ cao của hành vi tranh chiếm chứ không còn là sự may mắn thuần túy như các cụ ta từng quan niệm.

Khai mạc Lễ hộ chùa Hương.

Người ta thể hiện hành vi coi trọng vật chất ở cả hai thái cực. Một là, nhiều người thể hiện đẳng cấp qua việc sắm dâng các thứ phẩm vật, vàng mã tế lễ để tiến cúng, đốt trao cho các đấng thánh thần. Hai là, họ thấy hạnh phúc khi “cầu xin” được nhiều hơn người khác để đưa về nhà. Cái ảo tưởng, ảo vọng giàu sang do cầu xin hay cướp được từ thánh thần của một bộ phận người “sính cầu” đã quá trầm trọng, thậm chí biến tướng thành căn bệnh mãn tính.

Theo tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam, cướp lộc là một tục lệ có từ lâu đời. Đặc biệt, với quan niệm “một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần” khiến cho sự linh thiêng cũng như giá trị của “lộc” sau khi được làm lễ thánh thần bị biến tướng ít nhiều. Theo ông, giải pháp nào để mỗi mùa lễ hội đến sẽ không còn cảnh tương tự?

Thứ nhất, cái cần làm ngay, làm quyết liệt là tìm giải pháp thay đổi nhận thức. Dẫu biết rằng tín ngưỡng là quyền tự do của con người trong xã hội nhưng cần hiểu và có thái độ đúng đắn, trong sáng đối với các việc tâm linh. Từ đó, thay đổi hành vi cho phù hợp với tính chất và ý nghĩa của lễ hội, tín ngưỡng tâm linh cũng như các hoạt động văn hóa truyền thống.

Thứ hai, cần triển khai nghiêm túc, có hiệu quả quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm các tổ chức, cơ sở tôn giáo, người đứng đầu các khu dân cư, các ban tổ chức lễ hội.

Thứ ba, tiến hành xây dựng chuẩn mực ứng xử đối với các lễ hội.

Thứ tư, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục, lợi dụng lễ hội để trục lợi, phá hoại các nghi lễ tâm linh hoặc làm xấu đi hình ảnh văn hóa tâm linh…

Ông có trăn trở gì khi đến hẹn, mùa lễ hội lại về?

Không chỉ tôi mà rất nhiều người rất trăn trở về các vấn đề còn tồn tại ở lễ hội ta hiện nay. Đó là, làm thế nào để giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị rất quý giá của lễ hội, để lễ hội lấy lại hình ảnh đẹp và trong trẻo như xưa. Đồng thời, hạn chế, tiến tới loại bỏ những cái xấu, cái tiêu cực, những vết nhọ mà người ta cố tình gắn vào lễ hội.

Xin cảm ơn ông!

Yến Nguyệt

(thực hiện)

Nguồn VOV: http://baoquocte.vn/can-thay-doi-nhan-thuc-khi-tham-gia-le-hoi-66965.html