Cần thay đổi cơ chế để các doanh nghiệp gặp nhau

Về việc hợp tác giữa các DN Việt Nam với nước ngoài không chỉ bản thân các DN trong nước hướng tới mà nhiều DN, tổ chức nước ngoài cũng chú trọng tìm cơ hội.

Ông Yoon Sang Ho.

Vì thế, việc hợp tác này đang cần đến cơ chế mới với hy vọng gặt hái được nhiều hiệu quả, đạt chất lượng cao hơn. PV Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Yoon Sang Ho, Giám đốc điều hành Mạng lưới DN Hàn Quốc tại Việt Nam (SMBL).

Ông đánh giá như thế nào về việc liên kết, hợp tác giữa DN Việt Nam với các DN nước ngoài, mà cụ thể là DN Hàn Quốc trong thời gian qua?

Điều đáng mừng là những năm trở lại đây, không chỉ với DN Hàn Quốc mà sự hợp tác giữa DN Việt Nam với các DN nước ngoài đã có nhiều mô hình, với nhiều hoạt động, chương trình hợp tác. Với mục tiêu hội nhập toàn cầu của Việt Nam hiện nay, chắc chắn, những mối quan hệ này sẽ cần được tiếp tục mở rộng hơn nữa.

Bên cạnh số lượng và chất lượng các mối quan hệ có sự tăng lên đáng kể thì mô hình hợp tác thời gian qua đã có nhiều sự thay đổi theo hướng tích cực, hiệu quả hơn. Nếu như trước đây, hoạt động hợp tác giữa 2 bên DN được Chính phủ đóng vai trò chủ đạo, tức là Chính phủ tạo cơ chế, nền tảng… nhưng bây giờ, việc liên kết này đã hướng tới việc các DN tự kết nối bằng năng lực của mình. Điều này sẽ giúp tạo ra những mô hình tăng trưởng mới và nhanh chóng được nhân rộng.

Việc hợp tác này tạo ra những thuận lợi gì cho DN hai nước, thưa ông?

Có thể nói đây là thời điểm rất thuận lợi để các DN Việt Nam mở rộng quan hệ với DN các nước trên thế giới. Một mặt, DN Việt Nam nhận được nhiều cơ hội từ sự hợp tác này. Vì hiện nay, DN Việt Nam đang chịu sức ép lớn từ các DN Trung Quốc khi DN Trung Quốc với hàng hóa giá rẻ tạo sự cạnh tranh lớn nên DN Việt Nam cần phải có sự cải tiến. Do đó, nếu các DN Việt Nam, đặc biệt là DN nhỏ và vừa kết hợp được với DN nước ngoài thì có thể tận dụng thế mạnh về công nghệ, dịch vụ, sản phẩm hàng hóa… Việc tiếp thu này, mặc dù chỉ ở mức khởi đầu nhưng cũng sẽ tạo tiền đề lớn cho các DN phát triển hơn.

Mặt khác, ở chiều ngược lại, các DN quốc tế cũng sẽ nhận được nhiều cơ hội lớn để mở rộng phát triển. Ví dụ như các DN Hàn Quốc đang đầu tư nhiều ở Việt Nam, nhưng trước đây các DN này chưa thể xây dựng thành hệ thống thì bây giờ, với việc liên kết cùng DN Việt Nam, các DN Hàn Quốc sẽ có thêm mối quan hệ hợp tác sâu rộng, tạo thành hệ thống hoàn chỉnh, giúp kéo theo nhiều DN hơn nữa cùng tiến tới hợp tác.

Vậy có những khó khăn gì trong quá trình hợp tác, thưa ông?

Khó khăn đầu tiên là về hệ thống pháp luật của Việt Nam, đặc biệt là thủ tục hành chính. Hệ thống pháp luật mặc dù đã được sửa đổi nhiều, tạo thuận lợi cho DN hoạt động, nhưng vấn đề là không ít cơ quan cấp dưới, người thực thi vẫn theo thói quen cũ nên DN quốc tế khi đến làm việc gặp nhiều trở ngại. Điều này nếu không được sửa đổi tích cực hơn có thể trở thành nguyên nhân lớn khiến các DN quốc tế “ngại” tới Việt Nam.

Khó khăn tiếp theo là nguồn lao động của Việt Nam rất phong phú, lực lượng lao động trẻ dồi dào nhưng người thực sự làm được việc hiệu quả, người có thể làm được nhiều việc, năng suất cao lại không có nhiều.

Cùng với những vấn đề trên, khó khăn lớn nhất là sự khác biệt giữa hai bên DN. Riêng với các DN Hàn Quốc, trong khi DN Hàn Quốc có đặc tính riêng, cũng như có cơ chế, tổ chức đặc thù, thì các DN Việt Nam lại có “kế thừa” kinh nghiệm từ Mỹ, Nhật Bản, Đức… nên hệ thống quản trị, cơ chế tổ chức không có sự thống nhất và không mang được tính đặc thù. Điều này gây nên sự khó khăn khi kết hợp giữa các bên DN. Theo tôi, các DN Việt Nam phải có mô hình làm việc bài bản, để các DN nước ngoài khi tiến hành hợp tác dễ dàng nhìn thấy triển vọng cũng như tiềm năng, từ đó sẽ mạnh dạn ký kết hợp tác, đổ nhiều vốn và nguồn lực đầu tư.

Theo ông, đâu là giải pháp để cải thiện việc hợp tác giữa DN Việt Nam với DN nước ngoài?

Bên cạnh việc giải quyết những vấn đề nội tại của DN Việt Nam, mà theo tôi thấy, Chính phủ Việt Nam hiện nay đang làm rất tốt và đã những hiệu quả tích cực, nên giải pháp quan trọng hiện nay là tiếp tục tạo ra cơ chế để hai bên có thể gặp nhau, giúp các DN có thể trao đổi, thảo luận với nhau. Điều này sẽ tạo cầu nối để các DN thực sự có nhu cầu gặp được nhau và đi đến ký kết hợp tác.

Với Việt Nam, việc hợp tác đang chủ yếu được xúc tiến qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tuy nhiên, VCCI có quá nhiều việc và lĩnh vực cần quan tâm nên việc hợp tác đôi khi mang tầm vĩ mô. Chúng tôi thành lập SMBL- là tổ chức hoàn toàn của tư nhân hoạt động đã mang những hiệu quả thiết thực cho các DN, giúp các DN, trong đó đa phần là DN nhỏ và vừa gặp nhau, thúc đẩy hợp tác được nhanh hơn mà không bị trói buộc bởi các quy định, điều kiện.

Xin cảm ơn ông!

Khó khăn đầu tiên là về hệ thống pháp luật của Việt Nam, đặc biệt là thủ tục hành chính. Hệ thống pháp luật mặc dù đã được sửa đổi nhiều, tạo thuận lợi cho DN hoạt động, nhưng vấn đề là không ít cơ quan cấp dưới, người thực thi vẫn theo thói quen cũ nên DN quốc tế khi đến làm việc gặp nhiều trở ngại. Điều này nếu không được sửa đổi tích cực hơn có thể trở thành nguyên nhân lớn khiến các DN quốc tế “ngại” tới Việt Nam.

Hương Dịu (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/can-thay-doi-co-che-de-cac-doanh-nghiep-gap-nhau.aspx