Cần tháo gỡ vướng mắc để phát triển bền vững

Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cánh đồng lớn từng được kỳ vọng là mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với xu thế mới và đem lại lợi nhuận hấp dẫn. Nhưng thực tiễn cho thấy, mô hình này đang gặp phải nhiều vướng mắc, có khả năng dẫn đến nguy cơ đổ vỡ...

Kỳ vọng lớn

Với mục tiêu hình thành những vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, phương thức sản xuất tiên tiến, kỹ thuật đồng bộ nhằm gia tăng năng suất và giá trị cho ngành lúa gạo; gắn sản xuất với tiêu thụ thông qua liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp-DN), mô hình cánh đồng mẫu lớn (sau này được đổi thành cánh đồng lớn-CĐL) xuất hiện lần đầu tiên ở Sóc Trăng vào năm 2005. Tuy nhiên, phải đến vụ hè thu năm 2011, lần đầu tiên mô hình CĐL được thí điểm ở vùng ĐBSCL và tỉnh Tây Ninh, diện tích hơn 7.800ha cùng 6.400 hộ nông dân tham gia. Liên tục những năm sau đó, diện tích sản xuất áp dụng mô hình CĐL ngày càng tăng, có thời điểm lên tới hàng trăm nghìn héc-ta. Có thể nói, CĐL là mô hình sản xuất trước đây chưa từng có ở ĐBSCL và được kỳ vọng tạo ra bước đột phá để phát triển.

Theo nhận định của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT), CĐL là một trong những giải pháp tối ưu đối với ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Cụ thể, mỗi héc-ta lúa tham gia trong CĐL có thể giảm chi phí sản xuất 10-15%, sản lượng tăng 20-25%. Tham gia CĐL, người sản xuất được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, được hỗ trợ kỹ thuật, hạn chế rủi ro. DN thì chủ động được nguồn nguyên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh.

 Sản xuất giống lúa mới trên cánh đồng lớn ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Sản xuất giống lúa mới trên cánh đồng lớn ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ dẫn chứng: Thực hiện quy trình sản xuất mới, 100% nông dân trong CĐL sử dụng giống xác nhận, gieo sạ cùng thời gian trong cùng cánh đồng. Nông dân còn ứng dụng sạ hàng, sạ thưa tiết kiệm lúa giống, bón phân cũng cân đối hơn. Qua đó, chi phí sản xuất giảm, năng suất tăng, lợi nhuận của nông dân trong CĐL cao hơn so với nông dân ngoài mô hình. Ngoài ra, CĐL còn tạo môi trường nâng cao trình độ sản xuất của nông dân về tổ chức, quản lý, nắm bắt thị trường, áp dụng khoa học công nghệ. CĐL không chỉ tạo cơ hội khai thác thế mạnh của địa phương, của vùng ĐBSCL mà qua đó tạo môi trường tích cực nâng cao kỹ năng sản xuất và ý thức kỷ luật của nông dân, giúp tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, làm tiền đề giúp DN xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu. “Từ khi có mô hình CĐL, các DN kinh doanh lương thực cũng chủ động trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo nhu cầu sản lượng xuất khẩu”, ông Nguyễn Văn Hinh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT tỉnh An Giang) cho biết.

Bất cập nhiều

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), năm 2020, diện tích CĐL ở ĐBSCL được duy trì khoảng 140.000-150.000ha, tập trung nhiều nhất tại hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp; mỗi héc-ta lúa tham gia CĐL thu lãi thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng. Mặc dù vậy, diện tích CĐL ở ĐBSCL đã giảm đi rất nhiều. Năm 2018, diện tích CĐL tại ĐBSCL còn khoảng 380.000ha, chiếm 9,2% diện tích gieo trồng lúa của cả vùng. Nhìn lại quá khứ, ngay từ khi mới phát triển mô hình CĐL, đã có không ít ý kiến nghi ngờ về tính bền vững của mô hình. Nguyên nhân chủ yếu là có quá ít CĐL thực hiện được liên kết chuỗi giá trị một cách thực chất và hiệu quả.

Về “chuỗi liên kết” trong mô hình CĐL có nguy cơ bị phá vỡ, thời gian qua, các chủ thể trực tiếp, trong cuộc là nông dân và DN đều có những lý do riêng, dẫn đến khó hợp tác. Ông Huỳnh Văn Trên, nông dân ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) trăn trở: "Nói là liên kết, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và DN nhưng thực tế nhiều vụ thu hoạch, khi giá lúa xuống thấp thì DN làm ngơ, không thu mua. Ngược lại, lúc giá lúa lên cao, không ít nông dân tự ý “bẻ kèo”, bán cho thương lái bên ngoài, thay vì để DN trong mô hình bao tiêu. Sự ràng buộc giữa hai bên thiếu chặt chẽ nên có tình huống phát sinh là mối liên kết bị đổ vỡ, dẫn tới tình trạng tranh mua, tranh bán".

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) cho rằng: "CĐL là mô hình tốt cho mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân nhưng mối liên kết sẽ khó duy trì bền vững, lâu dài nếu DN thiếu vốn đầu tư bảo đảm các khâu sản xuất, vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ... Hiện nay, các ngân hàng cũng chưa tạo điều kiện thuận lợi để các DN xuất khẩu gạo vay vốn đầu tư xây dựng CĐL".

Sau gần 10 năm thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất lúa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, số lượng CĐL tuy có tăng lên nhưng quy mô cũng chỉ mới dừng lại ở mức vài trăm nghìn héc-ta và không nhiều CĐL xây dựng được mối liên kết với DN một cách đúng nghĩa. “Mô hình CĐL đến nay chỉ mới đạt được mục tiêu ban đầu là xây dựng những vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, còn mục tiêu lớn hơn, xa hơn là thu hút được doanh nghiệp để tạo chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu thì vẫn chưa đạt được”, kỹ sư Hồ Quang Cua, nguyên Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng chia sẻ.

Để “cánh đồng lớn” phát triển bền vững

Theo nhận định của các chuyên gia, DN và nhà quản lý, tuy mô hình CĐL ở ĐBSCL có dấu hiệu “thoái trào” nhưng không có nghĩa là mô hình không hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Hinh dẫn chứng: "Trên địa bàn An Giang, nhiều DN đã thực hiện tốt mô hình CĐL, trong đó gắn kết cả chuỗi sản xuất-tiêu thụ với phát triển hợp tác xã (HTX) kiểu mới. HTX có nhiệm vụ hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất, tiêu thụ để liên kết với DN. Giá lúa bao tiêu của DN luôn bảo đảm từ bằng đến cao hơn so với giá thị trường".

Theo GS, TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, mô hình CĐL muốn thành công phải xuất phát từ thị trường. DN phải nắm chắc, hiểu rõ nhu cầu của thị trường, bảo đảm được đầu ra mới hợp đồng sản xuất cùng nông dân đạt hiệu quả.

Kỹ sư Hồ Quang Cua phân tích: "Để tạo được chuỗi liên kết bền vững cho CĐL, cơ sở đầu tiên là phải có giống tốt để có thể kéo dài, nâng cao được chuỗi giá trị sản xuất và nhất là vai trò trung gian rất quan trọng của chính quyền địa phương. Thực tế cho thấy, hầu hết những CĐL ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản xuất với nông dân thường phải qua đầu mối trung gian để kết nối. Ban đầu, DN không thể đến trực tiếp với nông dân do chưa có sự tin tưởng lẫn nhau, vì vậy mới cần đến sự hỗ trợ, tác động tích cực của chính quyền địa phương".

Để mô hình CĐL tiếp tục phát triển, ông Phạm Văn Quỳnh, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, tư vấn kỹ thuật Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững Việt Nam tại Cần Thơ (VnSAT Cần Thơ) cho rằng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, các HTX kiểu mới (nơi có điểm CĐL) cần phát huy tốt hơn nữa vai trò trung gian, làm cầu nối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và DN; bảo đảm cho nông dân và DN có sự thỏa thuận, hợp tác trên tinh thần tự nguyện, tự giác, đồng thời hỗ trợ cho hai bên yên tâm sản xuất, giao dịch thuận lợi.

Bài và ảnh: HỒNG ĐĂNG - AN XUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-thao-go-vuong-mac-de-phat-trien-ben-vung-633600