Cần tháo gỡ nhiều nút thắt, điểm nghẽn để tạo động lực phát triển kinh tế

Sáng 1/8, tổ công tác Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An theo chương trình giám sát việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).

Đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổ trưởng tổ công tác làm trưởng đoàn. Ảnh: Mai Hoa

Làm việc với đoàn công tác, về phía tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII), gồm Nghị quyết số 10-NQ/TW về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 12-NQ/TW về Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết được Nghệ An thể chế hóa bằng các chương trình hành động, kế hoạch, đề án sát với điều kiện cụ thể của địa phương, chỉ đạo quyết liệt, thận trọng, đặc biệt là trong sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước; đổi mới công ty nông, lâm nghiệp; xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư kém hiệu quả...

Nghệ An cũng có nhiều giải pháp tăng cường cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường thu hút và phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Trung ương tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo động lực phát triển kinh tế. Ảnh: Mai Hoa

Từ thực tiễn chỉ đạo triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương 5 ở địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh nêu nhiều trăn trở trước những “nút thắt”, “điểm nghẽn”.

Nêu tình hình ở Nghệ An, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong rất ít lĩnh vực, chủ yếu là kinh tế tư nhân đang tạo nguồn thu ngân sách, tạo việc làm cho người lao động; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Trung ương nghiên cứu để có chính sách phù hợp.

Liên quan đến hoàn thiện thể chế sở hữu, Bí thư Tỉnh ủy đề cập vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư vào địa bàn, đặt ra quan điểm, ai thu hồi đất, Nhà nước hay doanh nghiệp, hoặc Nhà nước và doanh nghiệp phối hợp cùng làm.

Cổ phần hóa các công ty nông, lâm trường cần đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Ảnh: Mai Hoa

Bí thư Tỉnh ủy cũng phân tích 2 quan điểm, nếu cho doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân để thu hồi đất thì người dân được giá, nhưng không tạo sự thống nhất, công bằng trong cộng đồng về giá. Nếu để Nhà nước thu hồi sau đó chuyển giao cho doanh nghiệp thì sẽ đảm bảo công bằng về giá, nhưng đặt ra bài toán tháo gỡ như thế nào để tránh tạo tâm lý, người dân bị thu hồi giá thấp mà doanh nghiệp hưởng lợi nhiều. Khi Nhà nước thu hồi đất thì cần tổ chức đấu giá như thế nào, để đảm bảo nguồn lực thu vào ngân sách và người dân cũng được hưởng tương xứng.

Cũng liên quan đến vấn đề đất đai, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh kiến nghị Trung ương cần giải quyết bài toán về tính giá đất trong tài sản chuyển nhượng ở các doanh nghiệp Nhà nước tiến hành cổ phần hóa.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại tham gia ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: Mai Hoa

Người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An còn đặt vấn đề liên quan đến giải quyết mâu thuẫn giữa thu hút đầu tư và đấu thầu; bởi ở các địa phương hiện khuyến khích thu hút, kêu gọi nhà đầu tư, song để tiếp cận đất đai thì phải đấu thầu công khai, minh bạch và cạnh tranh, vô hình trung làm giảm ý nghĩa của việc thu hút đầu tư. Bên cạnh sự chủ động tháo gỡ của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Trung ương có quy định xử lý cụ thể.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cũng cho rằng, mối quan hệ giữa Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân đang có nhiều vướng mắc và lỗ hổng pháp lý cần được nghiên cứu, điều chỉnh, tạo sự minh bạch hơn, tạo động lực cho nền kinh tế và doanh nghiệp, các hộ kinh doanh phát triển mạnh mẽ, tạo nguồn thu, từ đó đầu tư trở lại, nâng cao đời sống nhân dân.

Nhiều ý kiến của lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành cũng nêu thêm một số khó khăn, đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm tháo gỡ các vấn đề sau cổ phần hóa, như phát triển sản xuất, quan tâm chế độ, chính sách cho người lao động và củng cố tổ chức đảng, tổ chức công đoàn; xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, cải cách hành chính; phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho các địa phương trong vấn đề đất đai, đầu tư; định hướng phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân…

Đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổ trưởng tổ công tác kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Kết luận cuộc làm việc, đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổ trưởng tổ công tác đánh giá việc triển khai các Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) ở Nghệ An nghiêm túc và có những kết quả bước đầu.

Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất có giá trị, mang tầm vĩ mô của Nghệ An, đồng chí Hồ Đức Phớc yêu cầu địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các Nghị quyết Trung ương 5 có hiệu quả, trong đó quan tâm bám sát các quy định hiện hành để đẩy nhanh tiến độ và chất lượng cổ phần hóa.

Về chuyển đổi cổ phần hóa đối với các công ty nông, lâm trường, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị tỉnh chú ý tính toán đến cân đối đất đai, đảm bảo công nhân, lao động từ các nông, lâm trường cũ có đất sản xuất, ổn định cuộc sống, tránh bàn giao nguyên trạng cho doanh nghiệp mới, khiến người dân không có đất.

Song song với đó, tỉnh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, gắn với cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư tốt, tạo ra các doanh nghiệp đầu tàu, lĩnh vực đột phá, tạo đà thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Mai Hoa

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/can-thao-go-nhieu-nut-that-diem-nghen-de-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te-208286.html