Cần tháo gỡ bất cập trong hệ thống cảng cá ở Hà Tĩnh

Những năm gần đây, nghề đánh bắt khai thác thủy, hải sản trên địa bàn Hà Tĩnh phát triển mạnh. Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ của địa phương, ngư dân Hà Tĩnh đã đầu tư, cải hoán hàng trăm tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn. Tuy nhiên, do hệ thống hạ tầng cảng cá trên địa bàn còn yếu kém cộng với những bất cập trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng cá và khu neo đậu, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của hoạt động khai thác thủy, hải sản của người dân.

Tàu to không dám vào … cảng !

Biển Hà Tĩnh được xem là cửa ngõ Vịnh Bắc Bộ với chiều dài 137 km, có 4 cửa lạch đổ ra biển tương ứng với 4 cảng cá, gồm: Xuân Hội (Nghi Xuân), Cửa Sót (Lộc Hà), Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) và Cửa Khẩu (Kỳ Anh), tổng diện tích các vùng biển là 18.400 km2.

Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực đầu tư, đến thời điểm hiện nay chỉ mới có 2 cảng cá Cửa Sót và Xuân Hội hoàn thành đi vào hoạt động. Cảng Cửa Sót nằm ở xã Thạch Kim (Lộc Hà) được coi là bến cá sầm uất nhất Hà Tĩnh.

Năm 2007, cảng Cửa Sót hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng quy mô với tổng vốn đầu tư 46 tỷ đồng. Cảng có 120 m chiều dài cầu cảng và 120 m chiều dài bến nghiêng bờ. Đây là nơi có hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá khá bài bản, thu hút hàng trăm tàu thuyền trong, ngoài tỉnh vào đổ hàng và tiếp tế nhiên liệu.

Tuy nhiên, những năm gần đây, cảng Cửa Sót không còn sầm uất như trước, bởi luồng lạch bị bồi lắng nghiêm trọng, hàng ngày chỉ sử dụng được từ 2 - 4 giờ vào lúc triều cường và chỉ những tàu có công suất dưới 200 mã lực mới vào được bến. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến chủ trương, chính sách phát triển tàu lớn của tỉnh, đặc biệt là Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngư dân Trần Văn Sinh – xã Thạch Bằng, Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho biết, Nghị định 67/CP ra đời với chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép đã biến ước mơ có tàu lớn vươn xa của chúng tôi thành hiện thực sau hàng chục năm bám biển trên những chiếc tàu công suất nhỏ.

“Thế nhưng, bên cạnh niềm vui là nỗi trăn trở khi chúng tôi vừa mới hạ thủy chiếc tàu vỏ thép có công suất 820 mã lực để mở rộng ngư trường khai thác thì lại phải đối mặt với nỗi lo bến bãi. Cảng Cửa Sót vốn chỉ thiết kế cho tàu dưới 300 mã lực cập bến, nay luồng lạch bị bồi lắng nghiêm trọng, hàng ngày chỉ sử dụng được từ 2 - 4 giờ vào lúc triều cường nên những tàu có công suất dưới 200 mã lực mới vào được bến. Khi thủy triều đạt đỉnh thì tàu vỏ thép của tôi mới cựa quậy ra vào được”, Ông Sinh lo lắng.

Tàu vỏ sắt trên 800 mã lực đang phải cựa quậy tại cảng cá Cửa Sót, vốn chỉ đủ điều kiện tiếp nhận tàu dưới 300 mã lực.

Ngư dân Tôn Đức Vinh - Chủ tàu vỏ thép ở xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) chia sẻ, hạ thủy chiếc tàu có công suất lớn với ý định ban đầu của tôi là cập bến ở Cửa Nhượng để tiện cho gần nhà nhưng cửa lạch ở đây cạn quá, tàu lớn không thể vào tận nơi được, phải đậu cách bến hơn 2 km. Vì sự bất tiện này nên sau mỗi chuyến ra khơi, tàu tôi phải lựa chọn cảng Cửa Hội (Nghi Xuân) làm điểm neo đậu.

“Mặc dù biết hệ thống bến cảng ở đây chỉ đáp ứng cho tàu có công suất 300 mã lực và cảng Xuân Hội cũng đang quá tải nhưng hiện nay chẳng còn cách nào hơn”, anh Vinh cho biết thêm.

Đưa tàu đi “ăn nhờ ở đậu” !

Trưởng Ban quản lý cảng cá Hà Tĩnh – Bùi Tuấn Sơn cho biết, theo quy mô xây dựng, các cảng cá trên địa bàn đều không đủ điều kiện cho tàu trên 300 mã lực neo đậu.

Tuy nhiên hiện nay các tàu vỏ thép trên 800 mã lực đang tạm cư trú ở Cảng cá Xuân Hội và Cảng cá Cửa Sót khiến hệ thống bến đỗ ở đây vốn đã chật chội nay càng bức bí hơn.

“Chiều dài của cầu cảng Xuân Hội chỉ có 130 m, trong khi đó chiều dài của mỗi tàu vỏ thép 24m, cảng thường xuyên đón tiếp 5 tàu vỏ thép về neo đậu, riêng chiều dài của các tàu này đã chiếm hết chiều dài của cảng cá, đó là chưa nói đến mỗi ngày cảng phải đón tiếp hàng chục tàu vỏ gỗ có công suất dưới 750 mã lực/tàu vào cập bến”, ông Sơn cho biết thêm.

Mặc dù Ban Quản lý cảng đã cố gắng bố trí, sắp xếp để cho các tàu thuyền thuận lợi trong việc ra vào, tiếp tế nhưng vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. “Về mặt pháp lý, hệ thống cảng ở Hà Tĩnh không đủ điều kiện để tiếp nhận tàu có công suất trên 300 mã lực, tuy nhiên nếu không cho vào neo đậu thì các tàu này biết đi về đâu ?”, Ông Sơn trăn trở.

Mỗi chuyến đánh bắt về, ngư dân phải neo đậu cách đất liền xa, sau đó đưa thuyền nhỏ ra “tăng bo” hải sản vào bờ

Ngoài ra, theo phản ánh của bà con ngư dân, gọi là cảng cá nhưng ngư dân chỉ xem như một gò cá nhỏ do luồng lạch thường xuyên bị bồi lắng.

“Không vào được cảng, mỗi chuyến đánh bắt về chúng tôi phải neo đậu cách đất liền 2 - 3 km, sau đó đưa thuyền nhỏ ra “tăng bo” hải sản vào bờ. Muốn vào cảng thuận lợi, chúng tôi phải canh thủy triều để cập cảng nhưng khi đã vào được rồi, gặp con nước kiệt, muốn ra khơi lại phải đợi nước lên nên lỡ đi nhiều vụ cá”, ngư dân Trần Văn Sinh cho biết thêm.

Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ là chủ trương mang tính chiến lược của Chính phủ nhằm tạo cơ hội cho ngư dân vươn xa, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đặc biệt, đối với Hà Tĩnh, sau sự cố môi trường biển vừa qua, hiệu quả của việc đầu tư, cải hoán tàu đánh bắt có công suất lớn để vươn khơi càng lớn.

Được biết, Hà Tĩnh hiện có 320 tàu đánh bắt xa bờ có công suất trên 90 mã lực. Sản lượng khai thác của nhóm tàu này đạt trên 70% sản lượng khai thác của địa phương. Ngoài ra, theo kế hoạch phân bổ đợt 1 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hà Tĩnh được hỗ trợ để đóng mới 29 tàu đánh cá có công suất 400 mã lực trở lên theo quyết định 67 của Chính phủ.

Tuy nhiên với hạ tầng cảng cá yếu kém như hiện nay, không biết đến bao giờ ngư dân Hà Tĩnh mới vững vàng để ra khơi. Bởi theo bà con ngư dân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy, hải sản, để ngành khai thác thủy, hải sản địa phương phát huy được những lợi thế và tiềm năng sẵn có, tỉnh Hà Tĩnh phải sớm xây dựng một giải pháp tổng thể nhằm nâng cấp, hiện đại hóa các cảng cá và phát triển toàn diện hệ thống hạ tầng dịch vụ nghề cá trên địa bàn.

Trần Phong

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/dia-phuong/can-thao-go-bat-cap-trong-he-thong-cang-ca-o-ha-tinh-40171