'Cần thành lập khu công nghiệp chuyên ngành tái chế nhựa phế liệu'

VPA cho rằng đây là một những lời giải cho bài toán quản lý nhựa phế liệu nhập khẩu, siết chặt để giảm thiểu ô nhiễm và hỗ trợ các doanh nghiệp ngành...

Khẳng định ngành nhựa đang có tiềm năng tăng cao với mức tăng trưởng 15-20%/ năm, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) đặt câu hỏi: Chúng ta tiết kiệm từng đồng ngoại tệ nhưng lại dễ dàng chấp nhận nhập khẩu lên đến 12,68 tỷ USD, tương đương nhập 80% lượng nguyên liệu. Vì sao chúng ta không giải nút thắt này với chủ động hơn trong nhập khẩu nhựa phế liệu để sản xuất hạt nhựa tái sinh, thúc đẩy ngành nhựa tái sinh phát triển?

Theo đó, VPA kiến nghị:

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, kiến nghị Bộ đưa thông tin các công ty đã cấp phép lên cổng thông tin điện tử Quốc gia để Hải quan nắm bắt, bảo đảm làm thủ tục nhập khẩu cho các công ty có tên, đẩy nhanh cấp phép nhập khẩu mới. Đồng thời xem xét mở rộng quy chuẩn VNQC32 và thay đổi phương pháp quản lý "sử dụng giải pháp dễ dàng đầu ra" như các nước, tạo điều kiện nhập khẩu các chủng loại nhựa có thể tái chế nhưng kiểm soát chặt đầu ra là nước thải và khí thải của các nhà máy tài chế.

VPA cho biết hiện có khoảng 5.000 container hàng phế liệu tồn tại cảng, trong đó có nhiều hàng tồn từ cả...chục năm

VPA cho biết hiện có khoảng 5.000 container hàng phế liệu tồn tại cảng, trong đó có nhiều hàng tồn từ cả...chục năm

Đáng chú ý trong nhóm kiến nghị này, VPA cho rằng cơ quan quản lý cần hỗ trợ doanh nghiệp thành lập các khu công nghiệp tái chế nhựa phế liệu nhằm mục đích siết chặt và thuận tiện cho quản lý.

VPA cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu hãng tàu chỉ xếp hàng lên tàu đối với các doanh nghiệp có giấy phép, đây là giải pháp tránh hàng tồn cảng như hiện tại. Yêu cầu hàng miễn phí phạt lưu contairner và lưu bãi cho doanh nghiệp, nếu không thì doanh nghiệp không thể rút hàng. Yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm tái xuất hàng hóa không đạt tiêu chuẩn hoặc doanh nghiệp không đến nhận hàng. VPA cũng cho biết hiện các hãng tàu đã từ chối vận chuyển nhựa phế liệu đến Việt Nam.

Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế việc các cơ quan quản lý nêu yêu cầu đối với các hãng tàu miễn phí phạt container, lưu bãi cho doanh nghiệp hoặc chịu trách nhiệm tái xuất hàng hóa, theo chính một số doanh nghiệp Nhựa, sẽ rất khó thực thi.

Ngoài ra, VPAkiến nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan: Yêu cầu các Chi cục Hải quan thống nhất thông quan các mặt hàng nhựa phế liệu theo Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính Phủ và Thông tư 41/2015/TT-BTNMT, hủy bỏ văn bản số 4202 và không ban hành thêm các văn bản quản lý chồng chéo; Cho thông quan các mặt hàng đã qua sử dụng đang tồn tại cảng biển; Tăng cường phòng ngừa rủi ro trong kiểm soát hàng hóa; Cho nâng luồng kiểm tra xác suất hoặc phối hợp trực ban trực tuyến của Tổng cục Hải quan để giám sát chặt chẽ mặt hàng nhựa phế liệu và hàng đã qua sử dụng.

Theo VPA, hiện Việt Nam đã tiêu thụ nhựa đến 41kg trên đầu người mỗi năm tương đương 3,6 triệu tấn năm, số lượng đang tăng nhanh ở mức 20%. Một lượng khổng lồ nhựa từ sinh hoạt và tiêu dùng cần được tái chế. Nếu không có các doanh nghiệp tái chế lớn có công nghệ hiện đại mà vẫn đưa phế liệu về làng nghề tái chế thủ công như hiện nay thì sẽ phát sinh thêm rất nhiều làng nghề và tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Ông Hoàng Phi Vũ, Giám đốc CTy Minh Tâm Tín Nghĩa, hiện đang là 1 trong 2 công ty xử lý rác thải lớn tại TP HCM cho biết, trong tổng lượng rác thải mỗi ngày có 80% là rác thải sinh hoạt. Tại TP HCM, mỗi ngày có khoảng 9 ngàn tấn rác thải sinh hoạt được thải ra, 6 ngàn tấn được đưa về xử lý tại Bãi rác Đa Phước của ông David Dương, 3 ngàn tấn được xử lý tại Minh Tâm Tín Nghĩa. Qua xử lý khoảng 10% lượng nhựa sẽ được thu lại. Số lượng nhựa trong rác thải chưa xử lý bị chôn lấp theo đó là rất lớn. Do đó theo ông Vũ hỗ trợ các doanh nghiệp tái chế để có khả năng tích lũy vốn và kinh nghiệm, tiếp thu công nghệ tái chế tiên tiến để chúng ta có những nhà máy hiện đại, sau này sẽ tái chế nguồn nhựa thải ra rất lớn.

Trước khi VPA nêu các kiến nghị, văn bản số 281/TB-VPCP của Văn phòng Chính Phủ ban hành ngày 7/8/2018 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác quản lý môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Theo thông báo này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh TP HCM, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu (địa phương có cảng biển có số lượng lớn phế liệu tồn đọng) thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra tình trạng này, tăng cường phối hợp để kiểm soát chặt chẽ, tốt hơn việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam trong thời gian tới, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng tới môi trường sống và uy tín của Việt Nam.

Lê Mỹ

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/kien-nghi-thanh-lap-khu-cong-nghiep-chuyen-nganh-tai-che-nhua-phe-lieu-134348.html