Cần thận trọng khi sáp nhập thôn, tổ dân phố

Hiện nay, các địa phương đang triển khai thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố (ấp, khóm), theo hướng tinh gọn, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả; giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách gắn liền nâng cao chất lượng, hoạt động của các đoàn thể ở ấp, khóm, giảm chi phí hành chính.

Tiếng nói từ cơ sở

Tỉnh Vĩnh Long triển khai đề án bảo đảm năm 2019 giảm khoảng 78 ấp, khóm, hiện có quy mô số hộ gia đình thấp hơn tiêu chí quy định hiện hành (ấp có từ 350 hộ trở lên, khóm có từ 400 hộ trở lên) chiếm 9,2% trên tổng số ấp, khóm toàn tỉnh. Nếu đạt mục tiêu, ước tính toàn tỉnh sẽ tiết kiệm kinh phí chi trả phụ cấp gần 12 tỷ đồng/năm.

Thực tế nhiều địa phương cho thấy, với thôn, tổ dân phố có diện tích nhỏ, quy mô dân số thấp so với tiêu chuẩn quy định gây khó khăn cho công tác quy hoạch sử dụng đất, bố trí xây dựng các thiết chế văn hóa, hạ tầng phúc lợi xã hội công cộng; huy động tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở cơ sở. Khảo sát mới đây tại các tỉnh Vĩnh Long, Thanh Hóa, Hà Tĩnh khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố đã sớm khắc phục tình trạng chênh lệch cả về quy mô dân số và diện tích canh tác của hộ gia đình giữa các địa phương; tiết kiệm kinh phí chi trả phụ cấp cho đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở. Bên cạnh đó, việc sáp nhập, kiện toàn còn để huy động tập trung nguồn lực của xã hội, cộng đồng dân cư; nâng cao trình độ, năng lực và tăng mức thu nhập cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác ở cơ sở.

Thực tế cũng cho thấy, nơi nào hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng vào cuộc, chủ trương được thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả. Ngược lại, nơi nào cấp ủy, chính quyền thiếu quyết tâm, chưa có giải pháp tốt, do “nóng vội”, làm trái quy định, nhân dân chưa đồng thuận, thì chủ trương chậm đi vào cuộc sống.

Thiết nghĩ, chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố ở các địa phương theo tiêu chí quy định là việc làm cần thiết, bảo đảm tinh gọn bộ máy từ cơ sở. Tuy nhiên đây là nội dung tác động trực tiếp đến đời sống người dân về nhiều phương diện. Vì vậy, các địa phương cần tiến hành đúng nguyên tắc, quy định, có phương pháp, mục tiêu đồng bộ, khoa học, phù hợp tình hình cụ thể.

Trước hết cấp ủy, chính quyền cần điều tra, khảo sát cụ thể để xây dựng phương án, tổ chức thực hiện sáp nhập, kiện toàn ấp, khóm bảo đảm theo trình tự, quy định. Việc thực hiện phải hợp lý, khách quan, phù hợp điều kiện của từng địa phương, tránh việc áp đặt trái quy định. Đồng thời cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng tham gia, tạo sự đồng thuận cao để nghiêm túc thực hiện chủ trương, thống nhất các phương án sáp nhập.

Quá trình triển khai thực hiện phải bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không làm gián đoạn và ảnh hưởng nhiệm vụ chính trị, quản lý nhà nước, thực hiện triển khai các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

VIỆT KHOA

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/40848802-can-than-trong-khi-sap-nhap-thon-to-dan-pho.html