Cần 'thần tốc' nâng cấp tuyến giao thông thủy Tây Nam bộ

Theo UBND huyện Chợ Gạo, chỉ một đoạn kênh 10 km đã có 35 điểm sạt lở, có những đoạn sâu vào đất liền tới gần 5m, đe dọa nghiêm trọng tính mạng người dân…

Ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội

Dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đầu tư 786 tỷ đồng, giai đoạn 2 đầu tư 1.477 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của Dự án hiện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2015.

Tuy nhiên, giai đoạn 2 lại chậm triển khai, không phát huy hết hiệu quả đầu tư của Dự án, ảnh hưởng đến an toàn giao thông cũng như việc lưu thông hàng hóa bằng đường thủy nội địa của cả vùng Tây Nam bộ và phòng chống sạt lở, giảm nhẹ thiên tai.

 Giai đoạn 2 của Dự án chậm triển khai, không phát huy hết hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và lưu thông hàng hóa bằng đường thủy nội địa của cả vùng Tây Nam bộ. Ảnh: Hồ Duy.

Giai đoạn 2 của Dự án chậm triển khai, không phát huy hết hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và lưu thông hàng hóa bằng đường thủy nội địa của cả vùng Tây Nam bộ. Ảnh: Hồ Duy.

Theo BQL dự án và phát triển quỹ đất huyện Chợ Gạo, cùng với nhiều nguyên nhân khác, tình trạng sạt lở trên kênh xảy ra rất nghiêm trọng trong nhiều năm liền, là mối hiểm họa đối với người dân sống hai bên ven bờ kênh, kể cả người và phương tiện lưu thông trên tuyến đường dọc theo kênh, nhất là vào ban đêm.

Tại đoạn bị sạt lở trên địa bàn ấp Tân Thạnh, xã Bình Phan, thời gian qua đã có một số trường hợp tử vong do bị ngã xuống kênh.

Tình trạng sạt lở trên kênh xảy ra rất nghiêm trọng trong nhiều năm liền, đã có nhiều người điều khiển xe gắn máy bị ngã xuống kênh. Ảnh: Hồ Duy.

Tình trạng sạt lở ngày càng phức tạp, nhất là thời điểm hiện nay, khi đang bắt đầu vào mùa mưa bão. Theo đánh giá của ngành chức năng, tốc độ sạt lở bờ kênh Chợ Gạo khoảng 2- 3m/năm. Nặng nhất là khu vực ấp Tân Thạnh, xã Bình Phan và ấp Bình Khương, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo với tốc độ sạt lở lên đến 4m/năm.

Thống kê của UBND huyện Chợ Gạo cho thấy, chỉ một đoạn kênh ngắn gần 10 km qua địa bàn hai xã Bình Phan và Bình Phục Nhứt đã có hơn 35 điểm sạt lở, có những đoạn sạt lở sâu vào đất liền tới gần 5m.

Ông Nguyễn Văn Anh, Phó phòng NN-PTNT huyện Chợ Gạo cho biết: “Tình trạng chậm triển khai giai đoạn 2 của Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo đã gây xáo trộn đến đời sống người dân và ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguy hiểm hơn là tình trạng sạt lở nghiêm trọng đe dọa tính mạng của người dân sống dọc theo tuyến kênh trong khi thiên tai bất thường với những diễn biến ngày càng phức tạp”.

Do tình trạng sạt lở nghiêm trọng trong nhiều năm qua đe dọa tính mạng của người dân sống dọc theo tuyến kênh Chợ Gạo. Ảnh: Hồ Duy.

Theo ông Anh, điều mong mỏi của chính quyền địa phương cũng như người dân sống dọc theo hai bờ kênh Chợ Gạo là giai đoạn 2 dự án sớm được triển khai, giúp nhân dân ổn định sản xuất và an cư lạc nghiệp tại nơi ở mới.

Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng diễn biến từng ngày, huyện Chợ Gạo đã tạm hỗ trợ kinh phí di dời và làm kè chắn cho 42 hộ đang sống trong vùng bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng.

Trong hai năm 2018 và 2019, huyện đã đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng gia cố các điểm sạt lở có quy mô lớn ở bờ kênh Chợ Gạo trên địa bàn hai xã Bình Phan và Bình Phục Nhứt. Năm 2020, huyện tiếp tục kè chống sạt lở và ngập lũ ven kênh Chợ Gạo, đoạn ấp Bình Khương 1, xã Bình Phục Nhứt với kinh phí lên đến gần 9,6 tỷ đồng.

Do tình trạng sạt lở ven tuyến Kênh Chợ Gạo có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chính quyền địa phương đã phải huy động xe cô be trực chiến để sẵn sàng "làm nhiệm vụ" khi có sự cố xảy ra. Ảnh: Hồ Duy.

Tỉnh kiến nghị đẩy nhanh tiến độ

Về phía địa phương, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã cam kết tích cực phối hợp với các bộ, ngành để triển khai dự án được thuận lợi; vận động người dân đồng tình, ủng hộ giúp công tác giải phóng mặt bằng được nhanh chóng, tạo thuận lợi để khởi động dự án giai đoạn 2 được sớm hơn, vừa đảm bảo an toàn giao thông thủy, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, vừa khắc phục sạt lở một cách căn cơ, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân trong vùng.

Trên tuyến kênh Chợ Gạo luôn có lưu lượng lớn tàu thuyền, sà lan qua lại suốt ngày đêm khiến hai bên ven bờ kênh nhiều đoạn càng thêm sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Hồ Duy.

Trao đổi với NNVN, ông Trần Quốc Bảo, Phó giám đốc BQL các dự án đường thủy cho biết: “Hiện dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị giải phóng mặt bằng, lập hồ tư vấn, mời thầu. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 – 2023. Chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến sẽ khởi công dự án vào quý III/2021 và hoàn thành vào giữa năm 2022”.

Theo ông Bảo, các đơn vị vận tải đường thủy phía Nam cũng nhiều lần kiến nghị sớm đầu tư nâng cấp kênh Chợ Gạo nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện xong. Đặc biệt, khoảng 2 - 3 năm gần đây, lưu lượng và tải trọng phương tiện thủy qua kênh Chợ Gạo tăng đột biến, gây quá tải, ùn tắc và cản trở phát triển vận tải thủy khu vực phía Nam. Do vậy, việc đẩy nhanh tiến độ nâng cấp kênh Chợ Gạo là cần thiết…

“Tiền Giang đã kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo, giai đoạn 2 từ nguồn ngân sách Nhà nước; qua đó, khắc phục tình trạng quá tải và ùn tắc giao thông, tăng khả năng lưu thông trên tuyến đường thủy huyết mạch nối liền TP.HCM với các tỉnh Tây Nam bộ.

Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả đầu tư giai đoạn 1 của Dự án, góp phần ổn định vận tải thủy, sản xuất và đời sống người dân ở hai bên tuyến kênh Chợ Gạo, đáp ứng nhu cầu phát triển vùng ĐBSCL”, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nói.

MINH SÁNG - TRẦN TRUNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ky-3-can-than-toc-nang-cap-tuyen-giao-thong-thuy-tay-nam-bo-d291422.html