Cẩn thận 'tiền mất tật mang' khi mua bán bất động sản qua môi giới

Tư vấn sai thông tin, 'nổ' về tiện ích dự án hay tự nâng khống giá bán sản phẩm, nhiều môi giới đã khiến khách hàng 'tiền mất tật mang' khi mua sản phẩm của mình.

“Thả con săn sắt, bắt con cá rô”

Cùng với sự phát triển của thị trường bất động sản, hàng loạt sàn môi giới đã ra đời nhằm đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những sàn giao dịch uy tín, cũng có không ít công ty, nhân viên môi giới “điếc không sợ súng” vì một chút lợi ích mà nhắm mắt làm liều, tư vấn sai thông tin… để trục lợi.

Một trong những chiêu thức quen thuộc là môi giới sẽ cam kết với khách hàng chỉ cần đặt cọc, thì 2 tuần sau đã có lãi. Khi khách hàng đặt cọc, khoảng hơn 1 tuần sau, môi giới sẽ thông báo với khách là có người muốn mua lại lô đất đó với giá chênh lệch 20 triệu đồng (thực chất đây là số tiền môi giới tự bỏ ra).

Sau khi khách hàng bán có lời, môi giới sẽ dụ khách mua thêm vài nền đất nữa và giá đất lúc này cũng được đẩy lên cao hơn. Môi giới sẽ vào luôn hợp đồng và yêu cầu khách thanh toán. Nhưng sau khi khách đã ký hợp đồng và thanh toán đủ theo hợp đồng thì môi giới sẽ “phủi tay”, lời lỗ khách tự chịu.

 Quá trình mua bán nhà đất đòi hỏi phải am hiểu các kiến thức về định giá, thủ tục, giấy tờ… hoàn toàn không đơn giản.

Quá trình mua bán nhà đất đòi hỏi phải am hiểu các kiến thức về định giá, thủ tục, giấy tờ… hoàn toàn không đơn giản.

Một chiêu bẫy khách hàng khác mà nhiều môi giới đang thực hiện đó là dẫn khách hàng tới coi dự án, khi khách này đang coi, thì một người khác (quân xanh của môi giới) cũng tới hỏi đất dự án này. Sau khi xem xét một vòng quanh dự án, khách hàng quân xanh này quyết định mua lô đất được môi giới giới thiệu là lô đất cuối cùng của dự án.

Trong trường hợp khách hàng thứ nhất vẫn phân vân, thì sẽ có khách hàng thứ ba (cũng là quân xanh của môi giới) đến và cầm tiền đặt cọc ngay nền đất này. Lúc này khách hàng thứ nhất nếu không vững lòng tin, sẽ rất dễ sập bẫy của môi giới, xuống tiền đặt cọc mua đất với giá cao.

Cuối năm 2017, thị trường bất động sản nóng hơn bao giờ hết với thông tin Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba mạo nhận chủ đầu tư để rao bán đất nền tại Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi.

Theo đó, dù chưa được chấp thuận là chủ đầu tư, nhưng công ty này vẫn ngang nhiên chào bán, nhận đặt cọc giữ chỗ tại dự án này.Sự việc chỉ vỡ lở ra, khi Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) có văn bản cảnh báo về hành vi sai trái của công ty này. Sau đó, nhiều cơ quan chức năng cũng lên tiếng cảnh báo, xử phạt về hoạt động của Công ty Alibaba.

Mạo danh chính quyền, chủ đầu tư uy tín

Một chiêu bài mới được các đơn vị môi giới “bẩn” sử dụng trong thời gian gần đây, đó chính là mạo danh chính quyền và các chủ đầu tư uy tín để “dụ” khách hàng.

Chia sẻ với PV Báo Kinh tế & Đô thị, anh Nguyễn Thanh Huy (quận 3) cho biết, trước đây, anh đọc được thông tin trên mạng về một dự án tại huyện Củ Chi có mức giá chỉ 5 triệu đồng/m2 và cam kết có sổ hồng ngay khi mua đất.

Trong phần giới thiệu về dự án, nhân viên môi giới đã mạo danh UBND huyện Củ Chi khi thông báo: “Nhằm phát triển quỹ đất huyện Củ Chi, hiện nay, UBND huyện đang công bố mở bán 50 nền 5x18, 5x20 ngay mặt tiền Quốc lộ 22 để phục vụ cho người dân và nhà đầu tư với giá 5 triệu đồng/m2.

Để đảm bảo cho thị trường mua bán diễn ra ổn định, UBND huyện liên kết, bàn giao chủ đầu tư Cát Tường Sài Gòn chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm, với nhiều chương trình ưu đãi như chiết khấu 5%/hợp đồng, phiếu bốc thăm trúng xe SH, máy lạnh, ti vi, điện thoại…”.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ, anh Huy phát hiện ra trên thị trường không có chủ đầu tư nào có tên Cát Tường Sài Gòn (mà chỉ có Công ty Cát Tường). UBND huyện Củ Chi cũng không liên kết với bất cứ doanh nghiệp nào để bán đất.

Người mua nhà, đất cần cẩn trọng tránh bị sập bẫy của môi giới. (Ảnh minh họa)

Trước đó, Him Lam Land cũng trở thành “nạn nhân” của một vụ mạo danh thương hiệu để bán đất nền khi nhiều nhân viên môi giới giới thiệu về dự án Him Lam 2 được cho là của công ty này.

Theo một nhân viên môi giới tên K, dự án có tên Him Lam 2 này nằm gần trường Đại học RMIT trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) với giá bán 15 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, đại diện Him Lam Land khi đó cho biết, công ty không hề có dự án nào mang tên Him Lam 2 tại khu vực đường Nguyễn Văn Linh giao cắt với quốc lộ 50. Đây rõ ràng là hành vi “mạo danh” thương hiệu công ty để làm bậy.

Theo tìm hiểu của PV, thời gian qua, hàng loạt công ty bất động sản có uy tín trên thị trường, đã lên tiếng tố cáo nhiều cá nhân, tổ chức lập website mạo danh công ty để thực hiện hành vi lừa đảo khách hàng.

Theo đó, các website mạo danh này ngang nhiên sử dụng trái phép hình ảnh và đưa ra nhiều tài liệu sai lệch về dự án, ghi số điện thoại giả mạo. Thậm chí, có website còn đăng tải thông báo tới khách hàng về việc thay mặt chủ đầu tư nhận tiền đặt cọc, giữ chỗ, với số tiền từ 200-500 triệu đồng/căn hộ và đưa ra giá bán thấp hơn nhiều so với mức dự kiến của chủ đầu tư.

Bên cạnh việc mạo danh, có mô giới còn sử dụng chiêu trò tự ý đổi tên dự án để rao bán. Sau đó họ dùng tên mới để chào bán sản phẩm, gây hiểu nhầm cho khách hàng, thậm chí ai trót xuống tiền còn có thể “mất trắng”.

Thậm chí, để tăng tính hấp dẫn cho dự án, nhiều mô giới còn đưa ra hàng loạt tiện ích “bánh vẽ”, bởi thực tế các tiện ích này vẫn đang là những bãi đất trống.

Cẩn trọng

Luật sư Lê Ngô Trung, Luật sư cao cấp Hãng luật Vega cho rằng, hiện nay, những quy định, chế tài về quyền và trách nhiệm của đơn vị môi giới trong hệ thống luật của chúng ta chưa thực sự rõ ràng. Điều này khiến cho nhiều nhân viên, công ty môi giới sẵn sàng làm bậy để thu lợi cho mình.

Theo Luật sư Trung, hiện nay, hầu hết những tranh chấp về mua bán đất đai có liên quan đến môi giới, chủ đầu tư và khách hàng đều được chuyển sang tranh chấp dân sự. Khi xảy ra tranh chấp, khách hàng muốn kiện đòi lại tiền thường phải mất rất nhiều công sức do thời gian xét xử kéo dài, hoặc khi có bản án nhưng phía doanh nghiệp, môi giới lại cố tình trì hoãn không thực hiện.

Chính vì vậy, Luật sư Trung cho rằng, trước khi ký kết hợp đồng mua bán hay tư vấn đất đai, khách hàng cần phải tìm hiểu thật kỹ thông tin. Những cam kết nào của chủ đầu tư hay nhân viên môi giới mà còn mơ hồ, khách hang cần hỏi kỹ và có thể yêu cầu đưa vào trong hợp đồng mua bán như một căn cứ để hai bên làm việc sau này.

Luật sư Trung nhận định, những hành vi lừa đảo trên không chỉ gây thiệt hại lớn đến người mua mà còn làm nhiễu loạn thị trường bất động sản. Vì vậy, các cơ quan chính quyền cần vào cuộc và có những biện pháp mạnh để răn đe, dẹp bỏ những nhà đầu tư, sàn giao dịch thiếu năng lực, làm ăn chụp giật, lừa đảo khách hàng.

Luật sư Trung khuyến cáo, tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là người mua phải tự biết bảo vệ mình, cần tỉnh táo tìm hiểu cặn kẽ thông tin dự án, chủ đầu tư, quy hoạch, pháp lý dự án.... trước khi xuống tiền. Nếu giá sản phẩm quá rẻ, phải hết sức cẩn thận khi mua và tuyệt đối không chạy theo các quảng cáo mang tính chất thổi phồng, cam kết lợi nhuận cao của môi giới. Có như thế, mới tránh được cảnh “tiền mất tật mang”.

TIỂU THÚY

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/can-than-tien-mat-tat-mang-khi-mua-ban-bat-dong-san-qua-moi-gioi-341450.html