Cẩn thận không thừa

Tìm kiếm bạn hàng mới mang lại nhiều cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp. Song, bên cạnh cơ hội, các DN gặp không ít rủi ro. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, những rủi ro càng lớn hơn nếu DN không cẩn trọng và cảnh giác khi bắt tay với những đối tác mới, đơn hàng mới.

Trường hợp của Công ty trách nhiệm hữu hạn H.T.N. Việt Nam) là một ví dụ điển hình. Công ty này cho biết, hồi tháng 4/2017, Công ty ký kết hợp đồng nhập khẩu gỗ xẻ dạng hộp, xuất xứ Cameroon, với đối tác là Công ty Rosohan System Nigieria Limited của Nigeria (Công ty Rosohan Nigeria).

Hợp đồng này có số lượng nhập khẩu 5 containers 20’FCL, gỗ Pachylova xẻ dạng hộp, tổng trị giá lên đến 69.350 USD và hợp đồng thứ hai được ký vào tháng 5 năm 2017 với số lượng 10 container 20’FCL gỗ Pachylova xẻ dạng hộp, tổng trị giá là 142.500 USD.

Thời điểm ngay sau khi ký hợp đồng, vào ngày 10/4/2017, Công ty đã chuyển khoản (T/T) từ Ngân hàng CP Techcombank Việt Nam, cho Công ty Rosohan Nigeria, thông qua một ngân hàng của nước này với số tiền đặt cọc là 34.675USD (tương đương 50% giá trị của hợp đồng thứ nhất).

Tiếp đó, tháng 6/2017, Công ty này tiếp tục chuyển tiếp cho đối tác số tiền 34.675 USD (tương đương 24,33% giá trị hợp đồng thứ hai). Tổng cộng số tiền đặt cọc 2 hợp đồng là 69.350 USD. Tuy nhiên, đến nay đã 3 năm, mặc dù Công ty H.T.N. Việt Nam nhiều lần yêu cầu, nhưng đối tác là Giám đốc Công ty Rosohan Nigeria Joseph Jegede đã viện dẫn nhiều lý do để không thực hiện hợp đồng, cũng không trả lại số tiền đặt cọc.

Mới đây nhất, cuối tháng 3/2020, viện dẫn cho lý do không thực hiện hợp đồng cũng như không trả tiền đặt cọc, Văn phòng Luật sư Synergy Law Partners Nigeria, đại diện của Công ty Rosohan đã gửi công văn cho Công ty H.T.N Việt Nam, thông qua Thương vụ Việt Nam tại Nigeria cho biết, Chính phủ Cameroon cấm xuất khẩu gỗ tròn, coi đó là trường hợp bất khả kháng để không giao hàng để thoái thác việc thực hiện hợp đồng và trả tiền đặt cọc.

Song trên thực tế, phía Công ty H.T.N. Việt Nam ký hợp đồng nhập khẩu là nhập khẩu gỗ xẻ dạng hộp, không phải gỗ tròn như lý do viện dẫn của đối tác. Bởi vậy, theo phía công ty của Việt Nam, việc Chính phủ Cameroon cấm xuất khẩu gỗ tròn, không làm ảnh hưởng đến việc mua bán của hai bên.

Như vậy, đến thời điểm này, có thể thấy, phía DN Việt Nam đã gần như mất trắng số tiền đặt cọc với đối tác, và hợp đồng, đương nhiên chưa được thực hiện. Theo Công ty H.T.N. Việt Nam, Công ty này đã bị phía đối tác chiếm đoạt 85.994 USD, bao gồm 69.350 USD đặt cọc, và 16.664 USD tiền lãi ngân hàng (8%/năm x 3 năm).

Tuy nhiên, trường hợp của Công ty H.T.N. Việt Nam không phải là hiếm, nhiều DN Việt khi tìm kiếm đối tác mới đã ‘dính” những quả lừa “ngoạn mục” của phía đối tác, rơi vào cảnh trắng tay. Do mong bán được hàng, DN thường dành cho đối tác lợi thế trong các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là điều khoản thanh toán (DA- chấp nhận thanh toán và nhận chứng từ).

Vì thế, rất cần mở rộng giao thương, nhưng cẩn thận vẫn không bao giờ thừa!

Minh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/can-than-khong-thua-tintuc465738