Cận Tết, cẩn thận 'bà hỏa' đến thăm

Trong những ngày Tết và áp Tết Nguyên đán, nguy cơ cháy nổ vẫn hiện hữu ở nhiều khu vực, nhất là các chợ, siêu thị...

Nhiều tiểu thương từng kiệt quệ, đời sống điêu đứng, mất Tết vì xảy ra cháy hàng hóa. Đặc biệt, có những vụ cháy còn gây nên hàng loạt hệ lụy đau lòng, thương vong và tổn thất lên đến hàng chục tỷ đồng. Vậy nên, cần cẩn trọng cao độ.

Chủ quan, trang bị thiếu các phương tiện chữa cháy, bà Lê Thị L. ở Phan Thiết (Bình Thuận) cho biết: Cháy gây ra hậu quả rất lớn với cả người và của, chỉ sau thiên tai, địch họa. Gia đình tôi từng cháy cả gian nhà vải, nhiều người sức khỏe suy giảm vì bị bỏng nên rất ám ảnh. Giờ buôn bán lại, dù nhỏ cũng phải tính kỹ càng đến các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ. Nhất là trong những ngày Tết sắp đến.

Hậu quả từ các vụ cháy rất nặng nề.

Hậu quả từ các vụ cháy rất nặng nề.

Không chỉ cháy ở các sạp, chợ, cửa hàng buôn bán tại nhà dân, còn có những đại lý xe máy, kho nhiên liệu... gây nên những thiệt hại nặng nề. Điển hình như vụ cháy ở kho hàng của Công ty TNHH, thương mại và dịch vụ Phước Lộc Gia (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận)...

Là tỉnh có nền kinh tế hàng hóa phát triển đa dạng, đại diện Sở Công thương tỉnh Bình Định cũng cho biết: Các vụ cháy hậu quả rất khó lường, nhất là dịp Tết. Hiện nay Bình Định có 12 siêu thị, trung tâm thương mại và 180 chợ các loại lớn nhỏ. Đây chính là các điểm nguy hiểm về cháy, nổ. Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, nhiều tiểu thương, hộ buôn bán đã kiệt quệ kinh tế, mất an toàn xã hội vì cháy. Cụ thể như vụ cháy Chợ Cây Xăng (phường Quang Trung, TP. Quy Nhơn) thiệt hại gần 6 tỷ đồng; vụ cháy Chợ Mộc Bài (huyện Hoài Ân) thiệt hại hơn 34 tỷ đồng, làm hoảng loạn hàng ngàn người dân; vụ cháy Chợ cá Hải Cảng (TP.Quy Nhơn) thiêu dụi hàng loạt ki-ốt, nhiều gia đình không còn tiền để sắm Tết.

Theo khảo sát, nghiên cứu của lực lượng chức năng về phòng cháy, chữa cháy các địa phương, nguyên nhân chính xảy ra cháy là do hệ thống điện sử dụng không đúng cách, không đóng, cắt cầu dao, sử dụng thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn phòng cháy và do sử dụng lửa trần, đốt hương thờ cúng trong chợ, trong gia đình, ki-ốt...

Ngoài việc chủ quan của người dân thì còn có sự thiếu quan tâm, giám sát, kiểm tra chặt chẽ của ban quản lý các chợ, siêu thị, khu buôn bán...

Cần thực hiện đúng các quy định

Phòng cháy chữa cháy trong dịp Tết, các địa phương cần truyền thông để người dân cùng nỗ lực đảm bảo an toàn cho gia đình và bản thân. Bên cạnh đó, ban quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức phòng cháy, chữa cháy cho các hộ kinh doanh, khách mua hàng... Chú trọng việc quản lý chặt chẽ các loại hàng hóa dễ cháy nổ, các dạng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt...

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị đầy đủ cả nhân lực và vật lực để ứng phó với các tình huống xảy ra. Kế hoạch giữ gìn an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy Tết Tân Sửu cũng đã được xây dựng chi tiết và triển khai. Trên hết, mỗi người dân cần phải thực hiện đầy đủ các quy định của ngành chức năng về phòng và chữa cháy, có như vậy mới tránh được hậu họa về kinh tế và tính mạng.

Hà Văn Đạo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-gan-tet-can-than-ba-hoa-den-tham-n186169.html