Cần tạo sức bật cho kinh tế tập thể

Với mục tiêu xây dựng kinh tế tập thể trở thành nền tảng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, An Giang đã đẩy mạnh chương trình phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) trong những năm qua. Tuy nhiên, để mô hình kinh tế tập thể phát triển như kỳ vọng, cần có sự đột phát trong cách nghĩ, cách làm của các tổ chức, cá nhân tham gia loại hình kinh tế này.

An Giang phấn đấu nâng cao chất lượng mô hình kinh tế tập thể trong nhiệm kỳ 2020-2025

Thành tựu từ chặng đường nỗ lực

Giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đổi mới, phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng, từng bước khắc phục các yếu kém, tồn tại trước đây. Qua đó, đã xuất hiện nhiều loại hình, mô hình kinh tế tập thể, HTX hoạt động hiệu quả, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhận định: “Hiện nay, toàn tỉnh có 202 HTX hoạt động trên 6 lĩnh vực: nông nghiệp - thủy sản, quỹ tín dụng nhân dân, vận tải, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch, tài nguyên - môi trường. Trong đó, nhiều HTX đã phát triển đúng định hướng của tỉnh khi tập trung vào 3 sản phẩm chủ lực là: thủy sản (cá tra), lúa gạo, rau màu và cây ăn trái. Đây là những sản phẩm đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước”.

Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương đã tạo động lực để các HTX, tổ hợp tác nâng cao chất lượng hoạt động, từng bước thích nghi với cơ chế thị trường. Các HTX, tổ hợp tác bắt đầu có sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp (DN) nhằm mang lại hiệu quả trong hoạt động, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân. Trong đó, nổi bật là việc xuất hiện những HTX kiểu mới gắn nông dân với DN như mô hình của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời hay hoạt động của 24 Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh, đã cho thấy hiệu quả trong sự liên kết cùng nhau vì sự phát triển của các thành viên.

Với nỗ lực của các cấp, ngành trong quá trình vận động, hỗ trợ đã giúp người dân nhận thấy và tin tưởng kinh tế tập thể, HTX là cách làm ăn phù hợp trong điều kiện hiện nay. Đặc biệt, quá trình phát triển mô hình sản xuất theo hướng liên kết chuỗi và xây dựng “Cánh đồng lớn” được thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh đã tạo động lực để các địa phương, DN triển khai có hiệu quả, giúp các HTX hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn và nâng cao quyền lợi của xã viên.

Cần “sức bật” cho kinh tế tập thể

Dù có sự phát triển tích cực nhưng mô hình kinh tế tập thể vẫn có những tồn tại cần khắc phục để hoạt động hiệu quả hơn. Trong đó, tỷ trọng đóng góp từ các mô hình kinh tế tập thể vào GDP tăng trưởng của tỉnh vẫn còn thấp; số lượng HTX thành lập mới theo định kỳ hàng năm chưa nhiều như kỳ vọng; loại hình kinh tế tập thể vẫn chưa phát triển đồng đều trên các lĩnh vực.

“Hiện nay, đa phần các HTX trong tỉnh chỉ là cầu nối giữa DN và nông dân mà chưa có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm và sử dụng dịch vụ của nhau. Tại Đức hay Nhật Bản, các HTX chủ yếu phát triển dựa trên mô hình mạng lưới, họ vừa có liên kết dọc, vừa có liên kết ngang, để tận dụng nhiều nguồn hỗ trợ cũng như phát huy hết khả năng cung cấp dịch vụ, sản phẩm của mình. Đây là cách làm mà các HTX ở An Giang cần học hỏi, áp dụng trong thời gian tới” - Ông Trần Anh Thư phân tích.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, các HTX tại An Giang cần hướng đến việc xây dựng mô hình “HTX không biên giới”. Với “HTX không biên giới”, các xã viên không nhất thiết phải ở cùng một địa giới hành chính. Họ có thể ở nhiều địa phương khác nhau nhưng cùng tham gia sản xuất một mặt hàng, sản phẩm. Khi đó, các xã viên chỉ cần kết nối với nhau qua interner để trao đổi thông tin khi cần thiết. Về mô hình này, ở Việt Nam đang có các HTX bò sữa ở Lâm Đồng hay HTX chanh dây của Công ty Cổ phần Nafoods đang rất thành công.

Theo Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể thì quan điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang vẫn xác định HTX và kinh tế tập thể là nền tảng kết nối nông dân với DN. Hiện nay, các sản phẩm chủ lực của tỉnh là cá tra, lúa gạo, rau màu và cây ăn trái đều là mặt hàng xuất khẩu quan trọng. Điều này có nghĩa nông dân An Giang đang tham gia vào thị trường hàng hóa lớn. Khi đó, họ sẽ không thể “tự bơi” mà rất cần kết nối với DN thông qua các HTX.

Do đó, UBND tỉnh đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Tỉnh ủy ban hành chương trình hành động tổ chức lại sản xuất và kiện toàn HTX nông nghiệp trong những năm tới. Đặc biệt, yêu cầu Liên minh HTX tỉnh phối hợp các ngành liên quan rà soát lại các mô hình HTX gắn kết với DN hiệu quả để phát triển và nhân rộng.

“Muốn mô hình kinh tế tập thể phát triển như kỳ vọng, chúng ta cần phát triển các HTX không biên giới, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: cá tra, xoài, lúa gạo đặc sản và sắp tới đây là bò sữa với sự tham gia của Tập đoàn TH. Khi ứng dụng thành công mô hình này, mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh mới có thể phát huy tối đa vai trò, vị trí của mình trong việc hỗ trợ các xã viên vươn ra biển lớn!” - Ông Trần Anh Thư khẳng định.

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/can-tao-suc-bat-cho-kinh-te-tap-the-a289969.html