Cần tạo điều kiện để người dân xây dựng nhà ở trên đất mua đấu giá

Mặc dù đã mua được đất do chính quyền tổ chức bán đấu giá để nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm qua, hàng chục hộ dân ở xã Phong Sơn (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) vẫn chưa xây dựng được nhà ở trên đất của chính mình.

Tìm hiểu được biết, từ tháng 5-2014, UBND huyện Phong Điền ban hành Quyết định số 1775/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án phân lô đất ở xen ghép khu dân cư ở các thôn Hiền An, Tứ Chánh, Phổ Lại, Cổ Bi 1, Cổ Bi 2, Cổ Bi 3, Sơn Quả, Thanh Tân và Hiền Sỹ, với tổng diện tích hơn 83.900m², phân thành 297 lô đất ở.

Trong đó, riêng thôn Hiền Sỹ được quy hoạch 69 lô đất ở trên diện tích hơn 2ha, bình quân mỗi lô rộng khoảng 300m². Sau khi hoàn tất công tác quy hoạch, từ cuối năm 2017, chính quyền địa phương đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức 2 đợt bán đấu giá và hiện đã có 67/69 lô đất được người dân Hiền Sỹ mua với giá 35 đến 37 triệu đồng/lô để xây dựng nhà ở.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các hộ dân, dù đã đóng đủ tiền mua đất nhưng phải sau nhiều lần kiến nghị, đến cuối năm 2018, xã Phong Sơn mới cho cán bộ địa chính đến khu quy hoạch xen ghép dân cư ở thôn Hiền Sỹ để đo đạc và cắm mốc, phân lô đất cho các hộ dân. Điều đáng nói, dù đã hoàn thành phân lô nhưng hiện toàn bộ khu đất này chưa được san lấp mặt bằng, chưa đấu nối hệ thống điện, nước khiến người dân không thể thực hiện xây dựng nhà ở.

Gia đình anh Hoàng Quang phải ở nhà tạm do khu đất mua đấu giá chưa thể làm được nhà ở kiên cố.

Gia đình anh Hoàng Quang phải ở nhà tạm do khu đất mua đấu giá chưa thể làm được nhà ở kiên cố.

Như trường hợp của vợ chồng anh Hoàng Quang (Sn 1972) và chị Cao Thị Ngọc (Sn 1979), thuộc diện cận nghèo của xã Phong Sơn. Hơn chục năm về trước, vợ chồng anh Quang xây dựng căn nhà tạm chưa đầy 100m² ở gần cuối thôn Hiền Sỹ để làm chỗ sinh sống cho cả 5 nhân khẩu trong gia đình.

Lo sợ phần đất đang ở sẽ bị Nhà nước thu hồi nên cuối năm 2017, sau khi UBND xã Phong Sơn thông báo tổ chức bán đấu giá đất nền tại khu quy hoạch dân cư Hiền Sỹ, họ dùng số tiền tích cóp để mua lô đất 300m², với giá 36 triệu đồng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, họ vẫn chưa thể xây được nhà do khu vực này cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, thiếu điện và nước. “Mặt khác, do mặt bằng khu quy hoạch thấp hơn rất nhiều so với nền đường và chưa được san lấp nên dù nhu cầu làm nhà ở rất bức thiết nhưng vợ chồng tôi không biết phải tính sao”, anh Quang bày tỏ.

Nỗi lo của anh Quang cũng là sự lo lắng của 67 hộ dân ở Phong Sơn đã mua đất đấu giá ở khu quy hoạch thôn Hiền Sỹ. Trong đó, phần lớn những người mua đất đều thuộc diện kinh tế khó khăn và có nhu cầu bức thiết về nhà ở. Song do sự chậm trễ của chính quyền địa phương trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng nên đến nay, phần lớn các lô đất đấu giá đều được người dân tận dụng… trồng lạc.

“Từ khi cắm mốc giới phân lô thì khu quy hoạch vẫn đang bị địa phương “bỏ dở” và không đầu tư gì thêm. Suốt 3 tháng qua, tôi và nhiều hộ dân khác đã tận dụng các lô đất trồng lạc để tránh lãng phí. Vì thế rất mong chính quyền các cấp quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ để chúng tôi sớm được xây nhà ở”, chị Văn Thị Thuận (Sn 1986, trú ở thôn Hiền Sỹ) cho hay.

Đem những thắc mắc của các hộ dân trao đổi với ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phong Sơn thì được ông Tuấn cho biết, đến nay, huyện đã hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đấu trúng đất tại các khu quy hoạch xen ghép dân cư trên địa bàn xã. Tuy nhiên, do đặc thù là xã miền núi còn nhiều khó khăn, nguồn ngân sách và kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng hạn chế nên đến nay xã vẫn chưa thực hiện việc đầu tư hạ tầng điện, nước tại khu quy hoạch xen ghép dân cư Hiền Sỹ.

“Hiện, địa phương đang tích cực tranh thủ các nguồn đầu tư khác nhau thực hiện việc đầu tư cơ sở hạ tầng theo từng giai đoạn để các khu quy hoạch dân cư dần được hoàn thiện hệ thống điện, nước phục vụ nhu cầu xây nhà ở của người dân”, ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết thêm, do đất ở các khu quy hoạch xã Phong Sơn được tổ chức đấu giá chưa bao gồm giá đầu tư hạ tầng nên trung bình mỗi m2 đất được các hộ dân đấu đều có mức giá 125 ngàn đồng, tổng giá trị đấu trúng gần 2,5 tỷ đồng. Vì thế các hộ dân có nhu cầu xây dựng nhà ở tại các khu quy hoạch phải tự san nền.

Riêng vấn đề điện nước, huyện sẽ đề nghị Công ty CP cấp nước và Công ty Điện lực tỉnh Thừa Thiên - Huế sớm triển khai phương án đầu tư các hạng mục này để đảm bảo nhu cầu thiết yếu về điện, nước phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân.

Anh Khoa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/ban-doc-cand/can-tao-dieu-kien-de-nguoi-dan-xay-dung-nha-o-tren-dat-mua-dau-gia-538000/