Cần tạo cho thầy cô môi trường để giáo dục học sinh

Giáo viên cần một môi trường để không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn đồng hành cùng gia đình trong việc giáo dục học sinh.

Giáo viên đồng hành cùng gia đình trong việc giáo dục học sinh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, kể: "Sau sự việc này, có giáo viên (GV) hỏi tôi, để tránh tai nạn trong nghề, có thể ban hành một danh sách các hình thức xử phạt và GV có thể tuân thủ theo nó". Theo bà Chu Cẩm Thơ, danh sách có rồi và trong danh sách ấy không có hình phạt quỳ hay đánh. "Nhưng không phải vì thiếu đánh, thiếu quỳ sẽ khiến trẻ hư, khiến trẻ không tôn trọng thầy cô hoặc là làm như thế thì ngành giáo dục đang bao che cho học sinh, tước hết quyền của nhà giáo. Vì thầy cô không cần những vũ khí đó nếu thầy cô được hành nghề trong bối cảnh mỗi nhà, mỗi nơi đều quan tâm đến trẻ, mỗi người cha, người mẹ đều thực hiện những nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với con của họ, học trò của thầy cô. Vậy là trước tiên, muốn thầy cô thực thi tốt chuyên môn của mình thì cần tạo cho thầy cô môi trường và có được đối tác “giáo dục”. Phải bắt đầu từ nhận thức lại về mục tiêu giáo dục, về thực thi giáo dục các giá trị chứ không chỉ là kiến thức", PGS Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh.

Thực tế hiện nay chỉ cần GV có “hơi một tí” là phụ huynh dọa đưa lên mạng xã hội và công luận để xã hội phán xét. Điều này dẫn tới thái cực là GV cũng tìm cách an toàn, nhất là chỉ làm hết nhiệm vụ lên lớp giảng bài mà không có cách gì “xử lý” những học sinh (HS)cần quan tâm, giúp đỡ.

GV Thiều Quang Thịnh, Trường THPT Long Thới, H.Nhà Bè (TP.HCM), trăn trở: “Một số gia đình, phụ huynh chưa có sự định hướng đúng đắn trong giáo dục con cái như cưng chiều một cách quá mức, tin tưởng một chiều vào lời con nói. Một số phụ huynh cho rằng "con mình là trên hết, là tốt nhất". Nếu may mắn, thì HS sẽ gặp những GV “cứng”, nhiệt tâm, nhiệt tình, không ngại những áp lực từ thi đua, khen thưởng, từ mạng xã hội để bảo vệ quan điểm giáo dục của mình. Ngược lại, sẽ có những GV “buông”, giảng cho hết giờ, tạo ra một thái độ "mặc kệ" những việc làm không đúng của HS.

Theo thạc sĩ Lê Minh Huân, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, bên cạnh những GV thầm lặng bám nghề, vượt qua mọi rào cản từ vật chất, tinh thần thì trong ngành cũng có một số GV vì sơ suất hoặc hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm đã tạo ra những "cái tiếng" không tích cực. Bên cạnh đó cũng có những phụ huynh không làm gương, không thể hiện sự trân trọng thầy cô giáo khi trò chuyện cùng con.…

Chú trọng đến an toàn về tinh thần

Tại lễ phát động xây dựng “Trường học hạnh phúc” tổ chức vào tháng 4 vừa qua, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng: Một trong những tiêu chí làm nên trường học hạnh phúc là nơi đó đảm bảo được sự an toàn về tinh thần và thể chất cho mỗi thành viên trong trường. GV và HS phải được bảo vệ về thân thể, không bị xúc phạm về tinh thần, thể xác. Ông Nhạ nhấn mạnh vấn đề an toàn về tinh thần.

Thực tế, sự tổn thương về tinh thần thậm chí còn nguy hiểm hơn tổn thương về thể xác. Các bạn bị đòn có thể đau một vài ngày thì hết; nhưng đau đớn về tinh thần có thể tạo ra sang chấn tâm lý kéo dài đến hết cuộc đời. Do đó, các thầy cô cần lắng nghe những bức xúc, ức chế của HS, đồng nghiệp và hỗ trợ họ giải quyết theo hướng tích cực những vấn đề này.

Bích Thanh - Tuyết Mai

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/can-tao-cho-thay-co-moi-truong-de-giao-duc-hoc-sinh-1082163.html