Cần tăng cường thanh tra việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường

Cùng với công tác quản lý Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường nước sông, hồ thì tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về chấp hành Luật Bảo vệ môi trường là giải pháp quan trọng để Hà Nội có thể đáp ứng được khoảng 76,6% khối lượng nước thải cần xử lý vào năm 2020.

Hệ thống xử lý nước cần được đầu tư xử lý đồng bộ. Ảnh T.A

Theo UBND TP Hà Nội, trên địa bàn TP, hiện tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị ước khoảng gần 900.000m3/ngày đêm (tương đương với 328,5 triệu m3/năm). Khối lượng nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tập trung tại 8 nhà máy xử lý nước thải (XLNT) khoảng 304.800m3/ngày đêm (tương đương 111,2 triệu m3/năm (trong đó khoảng 93 triệu m3/năm là lưu lượng được thu gom tại các Nhà máy XLNT thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy).

Khối lượng rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý phân tán tại các trạm XLNT Khu đô thị mới khoảng gần 16.000m3/ngày đêm điển hình như: Hệ thống XLNT của Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây; Khu đô thị mới Nghĩa Đô; Khu đô thị chức năng Thành phố Xanh;…

Như vậy, lượng nước thải sinh hoạt được xử lý tại các Nhà máy/Trạm xử lý tập trung trên địa bàn TP mới đáp ứng được khoảng trên 30% nhu cầu XLNT (trong đó lượng nước thải sinh hoạt được xử lý tại các nhà máy XLNT thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy đáp ứng khoảng trên 22% nhu cầu XLNT).

Trong quá trình XLNT thực tế Hà Nội đã gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Xây dựng các nhà máy XLNT và hạ tầng thu gom chưa đồng bộ; nước thải sinh hoạt lẫn với nước thải sản xuất của các làng nghề hầu hết chưa được thu gom xử lý; khó khăn trong công tác quản lý cũng như kế hoạch duy tu, duy trì, sửa chữa cải tạo hệ thống thoát nước; nguồn vốn đầu tư, xây dựng hệ thống XLNT từ ngân sách TP chưa đáp ứng được... Đáng nói, ý thức người dân sống trên lưu vực chưa cao, vẫn còn hiện tượng xả trực tiếp rác thải sinh hoạt, nước thải xuống dòng sông.

Nhằm giải quyết những khó khăn trong quá trình XLNT, UBND TP Hà Nội đã đưa ra nhiều biện pháp cụ thể như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Đồng thời, biện pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường nước sông, hồ và thanh tra, kiểm tra, giám sát về chấp hành Luật Bảo vệ môi trường và công tác quan trắc môi trường nói chung và chất lượng nước mặt sông Nhuệ, sông Đáy nói riêng được nhấn mạnh. Tiếp đó, việc triển khai dự án Đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc tự động (nước thải) tại các khu vực trọng yếu như: các sông, hồ chính, vùng giáp ranh, các nhà máy XLNT tập trung cũng cần được đẩy nhanh.

Theo các nhà quản lý về môi trường, cần đa dạng hóa các hình thức đầu tư, loại hình hoạt động; chú trọng huy động mọi nguồn lực trong toàn xã hội để bảo đảm có đủ nguồn lực. Xây dựng và cụ thể hóa các cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia XLNT và dịch vụ môi trường trên địa bàn TP. Ưu tiên bố trí nguồn vốn cho đầu tư thu gom, XLNT.

Được biết, các dự án đầu tư nhà máy XLNT quy mô lớn như: Yên Xá; Phú Đô và một Nhà máy XLNT tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức đang được triển khai. Các dự án chính theo kế hoạch gồm: Nhà máy xử lý nước thải Tây Sông Nhuệ và hệ thống thu gom nước thải; Hệ thống thu gom và trạm XLNT giai đoạn 1 tại quận Hà Đông và Thị xã Sơn Tây… đang chuẩn bị đầu tư.

Dự tính đến năm 2020, lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 1.287.000m3/ngày/đêm. Tổng công suất theo thiết kế của các nhà máy XLNT sau khi được đầu tư, xây dựng đến năm 2020 là 986.300m3/ngày đêm (đáp ứng khoảng 76,6% khối lượng nước thải cần xử lý). Điều này sẽ góp phần đáng kể cho việc xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

T.A

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/moi-truong/can-tang-cuong-thanh-tra-viec-chap-hanh-luat-bao-ve-moi-truong_t114c1143n142626