Cần tăng cường quản lý thuế với hoạt động mua bán tranh ngay tại xưởng vẽ

Mua bán tranh sao chép có phải nộp thuế hay không? Cơ quan nào sẽ xử lý trường hợp sao chép vi phạm? Đây là câu hỏi đặt ra tại buổi Họp tham vấn giữa Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia với các cơ quan chuyên môn về tình trạng sao chép tranh diễn ra sáng nay 4/4, tại Hà Nội.

Ảnh minh họa.

Mua bán tranh phải đóng thuế

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành cho biết, nhu cầu sao chép tranh, tranh mạo danh và tranh nhái xuất hiện từ lâu trên thế giới không chỉ riêng ở Việt Nam. Sở dĩ giá trị của một sản phẩm mỹ thuật rất cao vì giá trị độc bản (chỉ có 1 tác phẩm do tác giả sáng tạo ra), chất lượng nghệ thuật, phong cách nghệ thuật, giá trị lịch sử, nhân văn của tác phẩm. Chính vì thế, không phải ai cũng có thể dễ dàng “sở hữu” những tác phẩm mỹ thuật.

Ở Việt Nam, tranh sao chép đáp ứng nhu cầu để sử dụng cá nhân; nhu cầu học hỏi của sinh viên ngành mỹ thuật (học hỏi phong cách, cách thức làm việc…). Tuy nhiên, về thương mại bản sao chép lại bán với giá thành của bản gốc. Theo ông Vi Kiến Thanh, Nếu các tác giả không có ý thức tự bảo vệ tác phẩm của mình thì vấn nạn tranh giả, tranh sao chép sẽ còn diễn ra phức tạp. Đơn giản, mỗi tác giả sau khi hoàn thiện xong tác phẩm chỉ cần chụp ảnh, ghi rõ họ tên, tên tác phẩm, chất liệu, kích thước, giá bán, ký bút danh. Người mua tác phẩm cũng cần phải có hóa đơn mua bán, và giấy xác nhận. Trong trường hợp có xảy ra tranh chấp, đây cũng là căn cứ để cơ quan quản lý xử lý.

Hơn nữa, hoạt động mua bán các tác phẩm mỹ thuật diễn ra ở các cửa hàng bán tranh, bán tượng… có sự quản lý của cơ quan Thuế. Tuy nhiên hoạt động mua bán tranh chủ yếu diễn ra tại xưởng vẽ, gia đình của tác giả với số lượng lớn rất khó quản lý về thuế vì không có hóa đơn thuế GTGT. Thậm chí, người mua tranh không chỉ có người trong nước mà còn có cả người nước ngoài không đòi hỏi phải có hóa đơn, “giấy khai sinh” của tác phẩm. Ông Vi Kiến Thành kiến nghị, cơ quan thuế cần vào cuộc với hoạt hoạt động mua bán tranh ở xưởng vẽ, gia đình tác giả, vì cả người mua tranh và người bán tranh ở đâu đều phải có nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.

Các cơ quan nào sẽ xử lý?

Ông Vi Kiến Thành chỉ rõ, đối với sao chép tranh đúng quy định, Luật, Nghị định đã quy định: phải ghi rõ bản sao chép, tên tác phẩm, kích thước không được lớn hơn hoặc nhỏ hơn tác phẩm gốc và được sự đồng ý của chủ sở hữu tác phẩm thông qua hợp đồng thỏa thuận... Do vậy, xác định rõ sao chép tranh đúng quy định và sao chép tranh vi phạm các quy định.

Các văn bản quản lý Nhà nước cơ bản đã đầy đủ như Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 113/2013/NĐ-CP về Hoạt động mỹ thuật; Nghị định 188 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa… Tuy nhiên hiện nhiều tác giả vẫn chưa chấp hành về đăng ký bản quyền, đăng ký mẫu chữ ký trên tác phẩm để làm cơ sở để xử lý đối tượng việc sao chép tranh vi phạm. Trước tiên tác giả là người sáng tạo ra tác phẩm phải tự bảo vệ tác phẩm của mình để tránh để xảy ra các vụ việc sao chép tranh. Nếu địa bàn nào phát sinh vụ việc sao chép tranh cần có “đơn kêu cứu” cơ quan Quản lý thị trường, thanh tra văn hóa tại địa phương đó.

Đồng tình với quan điểm trên, theo Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Thị Kim Oanh, Luật Sở hữu trí tuệ quy định quyền sao chép, quyền phân phối truyền đạt tác phẩm đến công chúng…, tất cả người sử dụng phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả. Quyền nhân thân thì “vô thời hạn” nên trong trường hợp tác giả qua đời, người sử dụng không được thay đổi, xuyên tạc tác phẩm. Theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, các vụ việc việc vi phạm bản quyền tác giả có thể được giải quyết theo hành chính, dân sự, hoặc biện pháp biên giới (trong trường hợp hoạt động xuất nhập khẩu), hình sự.

Cụ thể, về xử phạt vi phạm hành chính đối với quyền tác giả, khi phát hiện quyền của mình bị xâm phạm, tác giả có thể gửi đơn, chứng cứ có liên quan đến cơ quan thanh tra về văn hóa thể thao và du lịch; cơ quan quản lý thị trường… Tác giả bị xâm phạm trước tiên phải yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính, công khai bồi thường thiệt hại.

Đối với các hành vi sao chép, phân phối để thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền, quyền liên quan từ 100 triệu đến dưới 300 triệu haowcj hàng hóa vi phạm từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đông đến dưới 500 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Theo bà Phạm Thị Kim Thoa, bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, định hướng cho tác giả hiểu rõ quyền của mình.

Quang Hùng

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/can-tang-cuong-quan-ly-thue-voi-hoat-dong-mua-ban-tranh-ngay-tai-xuong-ve.aspx