Cần tăng chất lượng cải cách hành chính ngành tài chính

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cải cách hành chính cần thường xuyên, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu.

Đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính năm 2017 và 8 tháng đầu năm 2018 của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, hiện ngành có 961 thủ tục nhưng mới có 46% thủ tục đưa vào dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4; còn lại 54% thủ tục vẫn là mức độ 1-2, trong đó có không ít là thủ tục vẫn ở mức độ 1.

Tính đến 15/8/2018, đã có 68 TTHC của 11 bộ, ngành tham gia kết nối Cơ chế một cửa quốc gia (ảnh minh họa: Cẩm Tú)

Tính đến 15/8/2018, đã có 68 TTHC của 11 bộ, ngành tham gia kết nối Cơ chế một cửa quốc gia (ảnh minh họa: Cẩm Tú)

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị các đơn vị chức năng trình Bộ ngay trong tháng này lộ trình, nhiệm vụ từng cục, tổng cục để chuyển các thủ tục mức độ 1-2 lên mức độ 3-4. “Mục tiêu tới cuối năm, tỷ lệ thủ tục mức độ 3-4 phải là 60-65%. Tới 30/6/2019, tỷ lệ này lên 80% và tới hết năm 2019, tỷ lệ là 90%”, Thứ trưởng yêu cầu.

Để đẩy mạnh cải cách TTHC, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính gắn với nhiệm vụ cải cách hành chính nhằm phát huy mọi nguồn lực, giải phóng sức sản xuất, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch

Chánh Văn phòng Bộ Tài chính Trần Quân cho biết, tính từ 1/1/2017 đến hết ngày 31/8/2018, Bộ Tài chính đã sửa đổi, đơn giản hóa 141 TTHC và bãi bỏ 20 TTHC. Bên cạnh đó, Bộ phê duyệt phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 190/370 điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính, đạt 51,4% theo yêu cầu của Chính phủ. Trên cơ sở đó, đã kiến nghị sửa đổi 6 Luật và 16 Nghị định của Chính phủ liên quan đến điều kiện kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đến nay, đã cập nhật 982 TTHC trên Cổng Thông tin điện tử ngành Tài chính, trong đó 167 TTHC đã được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 271 thủ tục hành chính đã được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Tài chính triển khai theo mô hình một hệ thống tập trung.

Theo ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, hiện ngành Thuế đã triển khai mở rộng dịch vụ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử trên 63/63 tỉnh, thành phố; xây dựng và triển khai thí điểm hệ thống cấp hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan Thuế tại TP. Hà Nội và TP. HCM; nghiên cứu triển khai thực hiện phương thức điện tử đối với các dịch vụ: dịch vụ nộp thuế đối với đất đai, hộ cá nhân; dịch vụ nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đảm bảo tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện.

Về lĩnh vực Hải quan, ông Nguyễn Duyên Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, đảm bảo vận hành thông suốt, ổn định 24/7 hệ thống VNACCS/VCIS. Tính đến 15/8/2018, đã có 68 TTHC của 11 bộ, ngành tham gia kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, xử lý trên 1,4 triệu bộ hồ sơ của 23.700 doanh nghiệp tham gia. Tất cả các quy trình hải quan đã kết nối cơ chế một cửa quốc gia và được tự động hóa ở mức độ rất cao với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc./.

Cẩm Tú/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/can-tang-chat-luong-cai-cach-hanh-chinh-nganh-tai-chinh-811763.vov