Cần tầm nhìn dài hạn trong quy hoạch trường, lớp

Năm học 2018 - 2019, toàn thành phố có gần 1,7 triệu học sinh đến trường ở các cấp học, tăng hơn 67.200 học sinh so với năm học 2017 - 2018. Năm nào cũng vậy, ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) thành phố cũng lý giải nguyên nhân bị động trong công tác xây dựng trường lớp, chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên là do: 'Tăng dân số cơ học'. Là một đô thị lớn, nơi tập trung các ngành công nghiệp trọng yếu, các hoạt động đầu tư, tài chính, thương mại… nhộn nhịp, tập trung nhiều nhà máy sản xuất, công xưởng với nguồn lực lao động từ nhiều địa phương khác đổ dồn về làm ăn sinh sống và lưu trú thì việc tăng dân số cơ học phải là điều được dự báo trước.

TP Hồ Chí Minh hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN), một khu công nghệ cao và 16 cụm công nghiệp, thu hút gần 370 nghìn công nhân, người lao động. Với tỷ lệ tăng bình quân 2%/năm thì dự báo đến năm 2020, thành phố sẽ có hơn 400 nghìn công nhân làm việc tại các KCX - KCN tập trung và còn tiếp tục tăng đều trong những năm tiếp theo. Đó là chưa kể một số lượng không nhỏ đội ngũ nhân lực có trình độ cao, các chuyên gia làm việc theo dự án, chương trình ngắn hạn có nhu cầu lưu trú ổn định tại thành phố để làm việc và nghiên cứu.

Thời gian qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực, chi ngân sách hàng nghìn tỷ đồng để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập, đến trường của hàng triệu học sinh với khoảng 1.000 phòng học mới mỗi năm. Tuy vậy, so với nhu cầu thực tế, con số này vẫn chưa thấm vào đâu. Một thí dụ đơn giản, với gần 400 nghìn công nhân lao động từ các địa phương khác đến, họ đã và sẽ lập gia đình, sinh con và có nhu cầu gửi con đến trường. Đến nay, thành phố chỉ xây dựng được 16 cơ sở mầm non hoạt động tại 12 trong tổng số 17 KCN, mới đáp ứng chỗ gửi cho 5.800 trẻ, một con số quá ít so với nhu cầu cần gửi trẻ của hàng chục nghìn công nhân lao động trong các nhà máy, công xưởng để họ yên tâm lao động sản xuất. Tình trạng thiếu trầm trọng cơ sở giáo dục mầm non cũng là nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng là công nhân sau khi sinh con đành “ngậm ngùi” gửi con về quê cho ông bà chăm sóc, học hành vì kiếm một chỗ gửi trẻ ở các cơ sở tư thục tại thành phố phù hợp với thu nhập và điều kiện quả là gian nan, vất vả.

Một câu hỏi đặt ra: Tại sao trường lớp cứ thiếu trước hụt sau, năm nào cũng có “câu chuyện” sĩ số lớp học đội lên, rồi học sinh một số cấp học phải học thêm thứ bảy, phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo để có chỗ gửi con…? Phải chăng nguyên nhân chính là do công tác hoạch định, dự báo, xây dựng kế hoạch đầu tư của ngành GD và ĐT, các sở, ngành chức năng, chính quyền các địa phương của thành phố… chỉ ở tầm ngắn hạn, mạnh ai nấy làm mà không dựa trên khảo sát tổng thể để kết nối giữa cung và cầu; thiếu một chiến lược dài hạn và khả thi?

Yếu tố toàn diện cần được nhìn nhận ở chỗ không chỉ ngành GD và ĐT với việc lo chỗ học, phòng học, mà nhìn rộng ra thành phố còn phải tính đến chuyện nhà ở, nơi vui chơi, giải trí cho người lao động bởi đó là những nhu cầu căn bản nhất. Khắc phục hạn chế này, từng cấp, ngành, chính quyền địa phương của thành phố phải chủ động nắm bắt tình hình thực tế, dự báo nhu cầu cho từng lĩnh vực để lên kế hoạch tham mưu trình thành phố chuẩn bị cho công tác tuyển dụng đội ngũ giáo viên, nguồn vốn và danh mục đầu tư xa hơn trong năm đến bảy năm tới. Tất cả phải bảo đảm gắn kết với nhau, xây dựng kế hoạch vừa căn cơ vừa dài hạn để công tác quy hoạch, đầu tư, phân bổ nguồn vốn ngân sách không bị động, dàn trải, thậm chí là lãng phí.

TP Hồ Chí Minh luôn trân trọng và đề cao nguồn lực lao động, từ đội ngũ lao động có tri thức, có chất xám đến lực lượng công nhân chăm chỉ, giỏi nghề… từ nhiều địa phương khác đến thành phố làm việc, sinh sống. Thiết nghĩ, thành phố cần cụ thể hóa hơn nữa sự quan tâm bằng những chính sách chăm lo thiết thực, trong đó đáp ứng được nhu cầu tối thiểu về cơ sở trường lớp cho con em người
lao động…

VÕ LÊ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/37541702-can-tam-nhin-dai-han-trong-quy-hoach-truong-lop.html