Cần tái đánh giá xác suất bài thi tốt nghiệp THPT trên cả nước

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, hiện tượng điểm thi bất thường là tín hiệu để kiểm tra lại toàn bộ các tỉnh, thành.

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, hiện tượng điểm thi bất thường là tín hiệu để kiểm tra lại toàn bộ các tỉnh thành

PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan (Australia), người đã dùng phương pháp thống kê để chỉ ra những địa phương có điểm thi bất thường, một trong những cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng vào cuộc.

Cơn bão tiêu cực điểm thi không chỉ dừng lại ở Hà Giang mà đã lan ra rất nhiều tỉnh như: Tuyên Quang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Kon Tum, Cần Thơ… Là một trong những người phát hiện và thẳng thắn chỉ ra những điểm bất thường trong điểm thi của các tỉnh này, cảm giác của ông như thế nào? Vui mừng hay đau xót?

Những bất cập trong thi cử không phải là vấn đề mới, vì tình trạng này đã râm ran trong công chúng khá lâu rồi. Nhưng đó chỉ là những cảm nhận cá nhân, chứ chưa được “trình bày” một cách có hệ thống và định lượng như mấy ngày qua. Tôi nghĩ những kết quả phân tích của nhiều người khác và của tôi chỉ ra rằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở một số địa phương chưa phản ảnh chính xác thực học của thí sinh. Bây giờ thì chúng ta đã biết vài địa phương, nhưng sắp tới còn có thể hiện diện ở các địa phương khác.

Dư luận tuần qua đều bàng hoàng trước những gian lận trong thi cử, vì người ta không ngờ sự gian lận được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin khá cao ở vài nơi. Do đó, không có lí do gì để vui mừng vì đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, nó gây ảnh hưởng rất xấu đến học thuật nước nhà. Nên nhớ rằng nước ta có một truyền thống khoa bảng rất lâu đời (hơn 1000 năm), những mấy thập niên gần đây cái truyền thống trọng đạo học thuật có vẻ bị sứt mẻ, và đó là một lí do để lo lắng chứ không thể vui được.

Đã có rất nhiều ý kiến lên tiếng về những kẽ hở trong kỳ thi để đất sống cho hành vi tiêu cực, vậy theo ông đâu là kẽ hở nguy hiểm nhất?

Tôi không rõ, vì không có trải nghiệm hay quan sát thực tế qui trình thi ở trong nước. Tuy nhiên, mấy ngày qua đã lộ ra một lí do "cơ" về sự can thiệp của một vài cán bộ giáo dục trong việc chỉnh sửa điểm của thí sinh. Nhưng tôi nghĩ việc ra đề thi và soạn câu hỏi cũng có thể đóng góp vào những sự bất thường ở các phổ điểm mà chúng ta thấy trong kì thi này. Hầu như điểm thi của môn học nào cũng lệch khá cao so với phân bố chuẩn, và đó là một tín hiệu cho thấy cách soạn câu hỏi chưa được tốt.

GS Nguyễn Văn Tuấn dùng phương pháp thống kê để chỉ ra sự bất thường điểm thi tại các tỉnh (Ảnh: Điểm thi toán, vật lý, hóa học và sinh học tại Sơn La so với cả nước)

Cơ quan chức năng đang khẩn trương vào cuộc tại những địa phương có điểm thi bất thường. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng khẳng định: “Ai sai sẽ phải chịu trách nhiệm”. Song như thế đã đủ để dẹp yên cơn bão của lòng người?

Tôi nghĩ là những thẩm định của cơ quan chức năng chưa đủ để lấy lại niềm tin của công chúng. Việc tái đánh giá ở Hà Giang là cần thiết nhưng chưa đủ. Tất cả các tỉnh thành đều có nhiều điểm mà tôi cho là “bất thường”. Dĩ nhiên, điểm bất thường không hẳn có nghĩa là gian lận, nhưng nó là tín hiệu để kiểm tra lại toàn bộ các tỉnh thành. Cố nhiên, khó có tài lực để kiểm tra tất cả các hồ sơ thí sinh, nhưng một cách tái đánh giá khoảng 5% hay 10% (chọn ngẫu nhiên, tùy vào tình huống) ở mỗi tỉnh thành là rất cần thiết.

Là người trải nghiệm qua các mô hình giáo dục tiên tiến, theo GS, đâu là giải pháp ưu việt cho kỳ thi 2 trong 1 tại Việt Nam?

Những bàn luận chung quanh câu hỏi nên có 1 kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay cần thêm một kì thi tuyển đại học đã xảy ra hơn 10 năm nay. Mười năm trước, qua phân tích điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi tuyển sinh đại học, tôi phát hiện rằng mối tương quan giữa hai điểm rất thấp. Điều này có nghĩa là thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT cao có thể có điểm thi tuyển đại học thấp, và ngược lại. Nó cũng nói lên rằng điểm thi tốt nghiệp THPT có thể thiếu độ tin cậy cao. Do đó, việc nhập hai kì thi vào một là một việc làm vội vã và thiếu chứng cứ khoa học; cho đến nay, qua kì thi năm nay, tôi vẫn giữ quan điểm đó.

Tôi nghĩ cần phải nghiên cứu cho kĩ và xem xét lại đề thi cũng như cách soạn câu hỏi để đảm bảo độ tin cậy của kì thi; phản ảnh đúng khả năng của thí sinh; và giúp cho việc tuyển chọn thí sinh tốt hơn.

Theo ông, suy cho cùng, nguyên nhân sâu xa dẫn tới hành vi tiêu cực gian lận trong điểm thi là do đâu?

Gian lận trong thi cử thì ở đâu cũng có, chỉ khác nhau về mức độ mà thôi. Tôi không có bằng chứng gì để phát biểu về nguyên nhân dẫn đến gian lận trong thi cử ở trong nước. Nhưng ở nước ngoài, người ta đã nghiên cứu khá kĩ về câu hỏi này, và nguyên nhân gian lận có thể chia thành 2 nhóm: nhóm liên quan đến cá nhân và nhóm liên quan đến yếu tố bên ngoài. Những nguyên nhân mang tính cá nhân bao gồm áp lực có điểm cao để vào các trường đại học họ đã nhắm đến, áp lực thời gian, sợ người trong gia đình xem mình là 'thất bại', lười biếng học... Những nguyên nhân bên ngoài có tác động đến hành vi gian lận là đạo đức xã hội xuống cấp (họ nhìn đâu cũng thấy gian dối), bạn bè đã từng gian lận và 'thành công', muốn giúp đỡ nhau...

Nói chung, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến gian lận trong thi cử, và môi trường học thuật bê bối chỉ làm cho những nguyên nhân này thêm phổ biến. Nên nhớ rằng ngày xưa ở nước ta người gian lận thi cử bị phạt gông cổ và đánh đến 100 roi, còn ngày nay thì hình phạt vẫn chưa đủ nặng để răn đe những người gian lận hay có ý gian lận thi cử.

Tuyết Trịnh (thực hiện)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/can-tai-danh-gia-xac-suat-bai-thi-tot-nghiep-thpt-tren-ca-nuoc-d265306.html