Cần sửa quy định tăng mức bảo hiểm xe máy bắt buộc lên trên 60%

Dự kiến tháng 5/2020, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 103/2008/NĐ-CP, quy định những khung pháp lý để hướng dẫn luật kinh doanh bảo hiểm, về chế độ bảo hiểm bắt buộc, trách nhiệm dân sự của chủ chủ xe cơ giới, trong đó có xe máy.

Đội Cảnh sát giao thông Chợ Lớn kiểm tra giấy tờ của chủ xe máy trên đường Võ Văn Kiệt (quận 6 - TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức.

Đội Cảnh sát giao thông Chợ Lớn kiểm tra giấy tờ của chủ xe máy trên đường Võ Văn Kiệt (quận 6 - TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức.

Theo ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2019 tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc là 765 tỷ đồng, số tiền đã bồi thường là 45 tỷ. Như vậy, tỷ lệ bồi thường trên tổng doanh thu là 6%.

Sau 10 năm thực hiện Nghị định số 103/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, số lượt xe cơ giới tham gia loại hình bảo hiểm này lên đến 110,3 triệu xe (trong đó xe máy khoảng 93,5 triệu xe). Qua thời gian thực hiện, ngành bảo hiểm đã bồi thường cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ. Riêng xe máy, có 93,5 triệu lượt tham gia bảo hiểm nhưng số vụ tai nạn được giải quyết bồi thường là 101.214 vụ, trung bình 5 triệu đồng/vụ.

“Mức trách nhiệm bồi thường hiện chưa theo kịp với chi phí gia tăng của dịch vụ y tế, sửa chữa phương tiện. Phí bảo hiểm được niêm yết nhưng chưa phản ánh đúng rủi ro của từng người, không dựa trên lịch sử tai nạn, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện”, ông Phùng Ngọc Khánh thừa nhận.

Đề cập tới vấn đề này, Tiến sỹ Vũ Đình Ánh (chuyên gia kinh tế độc lập) cho rằng: Bộ Tài chính cần rà soát và sửa đổi lại chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với xe máy. Áp dụng hơn 10 năm nay mà người dân không hề quan tâm, thể hiện qua con số chỉ có 30% xe máy trong cả nước có mua bảo hiểm; năm 2019 số tiền bồi thường bảo hiểm cho tai nạn xe máy 6% doanh thu là quá thấp.

“Doanh nghiệp bảo hiểm bán được đồng nào gần như hưởng đồng đấy, không phải thực hiện theo đúng tính chất của bảo hiểm là đền bù thiệt hại khi không may xảy ra tai nạn. Ngay cơ quan Nhà nước quản lý và giám sát sản phẩm này chưa quản lý đúng tính chất của bảo hiểm bắt buộc. Khi bắt buộc người dân mua bảo hiểm, cách thức quản lý của cơ quan chức năng phải chặt chẽ đối với người bán và cả trách nhiệm bồi thường cho người mua”, ông Vũ Đình Ánh nói.

Viện trưởng Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính - ông Trần Nguyên Đán đánh giá: Tỷ lệ bồi thường trên doanh thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc chỉ chiếm 6% là mức thấp nhất nếu so với tỷ lệ bồi thường 40% - 70% của các loại bảo hiểm phi nhân thọ khác. "Nếu thấp do ít tai nạn thì đáng mừng, nhưng nếu do người dân không nhận được bồi thường thì rất đáng buồn", ông Trần Nguyên Đán nói.

Một số ý kiến cho rằng: Việc mua bảo hiểm là cần thiết để người gặp tai nạn được bồi thường, đặc biệt khi chủ xe là người nghèo không có điều kiện chi trả. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm có rất nhiều sai sót ngay từ khâu bán và có vấn đề ở khâu xử lý bồi thường khiến cho loại bảo hiểm này không đi vào thực tế.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, dự kiến tháng 5/2020, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 103/2008/NĐ-CP, quy định những khung pháp lý để hướng dẫn luật kinh doanh bảo hiểm, về chế độ bảo hiểm bắt buộc, trách nhiệm dân sự của chủ chủ xe cơ giới, trong đó có xe máy.

Sau khi Chính phủ phê chuẩn, ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 103, Bộ Tài chính sẽ mời các đối tượng chịu sự tác động như chủ xe ô tô, xe máy, báo chí, các cơ quan liên quan đến xem các thủ tục hồ sơ bồi thường, tạo điều kiện tối đa cho những người chủ xe, những người điều khiển phương tiện xe máy khi tham gia giao thông, bị tai nạn, gây thiệt hại về người, tính mạng, sức khỏe với tài sản người khác.

Để đưa hoạt động bán bảo hiểm đi vào khuôn khổ, tôn trọng quyền và lợi ích của người tham gia giao thông khi mua bảo hiểm bắt buộc, ngay trong tháng 5/2020, Bộ Tài chính sẽ thanh tra các hoạt động của doanh nghiệp và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến giá bán bảo hiểm.

Trước đó, thông báo từ phía cơ quan cảnh sát giao thông (CSGT) cho hay: Từ ngày 15/5 - 14/6, lực lượng CSGT sẽ thực hiện tổng kiểm sát các phương tiện của xe cơ giới, trong đó có yêu cầu phải mang tất cả giấy tờ liên quan đến xe, bao gồm giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. Thực tế, tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy trong chương trình này, qua báo cáo đánh giá tổng kết ước tính khoảng 30%.

Do sợ bị phạt, rất nhiều người dân đã đổ xô đi mua bảo hiểm. Nhu cầu tăng cao khiến các doanh nghiệp tranh giành khách hàng, đưa ra nhiều mức giá dưới quy định và “lập lờ” giữa sản phẩm bảo hiểm xe máy bắt buộc và tự nguyện với mức phí dao động là 20.000 - 50.000 đồng/thẻ/năm, trong khi quy định của Bộ Tài chính đối với sản phẩm bảo hiểm bắt buôc là 66.000 đồng/năm (đã gồm VAT).

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/can-sua-quy-dinh-tang-muc-bao-hiem-xe-may-bat-buoc-len-tren-60-20200524195222303.htm