Cần sửa nhiều quy định tại Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp

Bên cạnh những điểm tích cực thì Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp còn rất nhiều vướng mắc cần giải quyết và nhiều quy định cần sửa đổi.

Ngày 20/2, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp”.

Hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp”.

Hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp”.

Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015. Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, kể từ những năm đầu tiên, các quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã thể hiện sự tiên phong, dẫn đầu về tư duy cải cách, tạo cảm hứng và dẫn dắt hệ thống pháp luật của Việt Nam đi theo. Đơn cử như việc thành lập doanh nghiệp, trong giai đoạn đầu mất hàng tháng trời, đến nay chỉ còn 1-2 ngày, có khi vài giờ đồng hồ.

Ông Lộc nhấn mạnh, 2 đạo luật này đã mạnh mẽ trong việc thể chế Hiến pháp 2013 bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân. Tư tưởng quan trọng này đã góp phần không nhỏ tạo nên thuận lợi đối với môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp.

Tuy nhiên, theo TS. Vũ Tiến Lộc, vẫn có rất nhiều vướng mắc cần giải quyết và nhiều quy định cần sửa đổi từ hai đạo luật này. Ông Lộc dẫn chứng, thủ tục đăng ký doanh nghiệp vẫn còn một số điểm nghẽn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, việc xác định mã ngành cấp 4 khi đăng ký kinh doanh, thời gian để hoàn thành việc đăng ký doanh nghiệp trên thực tế với quy định của Luật vẫn còn vênh nhau; hộ kinh doanh buôn chuyến phải thực hiện nhiều thủ tục không cần thiết như: thông báo với cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường ở các địa điểm kinh doanh… những bất cập này có thể là cản trở, thông điệp ngược cho tinh thần cải cách của đạo luật này.

Về , mặc dù đã xác định mục tiêu kiểm soát về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, tuy nhiên trên thực tế, việc ban hành các ngành, nghề kinh doanh vẫn ngoài tầm kiểm soát hay chất lượng các điều kiện kinh doanh ở các văn bản pháp luật khác vẫn còn rất nhiều vấn đề.

Từ những điểm nghẽn trên, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&ĐT) cho hay, với Luật Đầu tư, Dự thảo sửa đổi các Điều 24, 25 và 26 theo hướng: Bổ sung quy định để yêu cầu chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN), tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN khi góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực quan trọng hoặc tại địa bàn có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Bãi bỏ thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp; Làm rõ quy trình, thủ tục, điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các tổ chức, cá nhân cũng như doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đồng thời sửa đổi, bổ sung Điều 31 theo hướng: Loại bỏ một số dự án đầu tư thuộc diện phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư, bao gồm: dự án có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ trở lên, các dự án mà điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được quy định cụ thể tại điều ước quốc tế và pháp luật có liên quan như dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, báo chí, thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ 100% vốn nước ngoài.

Với dự thảo Luật Doanh nghiệp, ông Tuấn cho rằng, luật mới phải giải quyết được các vấn đề lớn hiện nay của Luật Doanh nghiệp, trong đó có sự khác biệt, phân tán về thủ tục đăng ký doanh nghiệp giữa Luật Doanh nghiệp và một số luật khác có liên quan, như Luật Đấu giá, Luật Luật sư, Luật Chứng khoán.

Ngoài ra, bãi bỏ một số thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp không còn phù hợp, không cần thiết, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Bởi theo qui định của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp phải hoàn thành 5 thủ tục hành chính để có thể bắt đầu kinh doanh, bao gồm đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh, làm dấu tại cơ sở khắc dấu, thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh, mở tài khoản và thông báo thông tin tài khoản cho cơ quan đăng ký kinh doanh...

“Nếu so sánh quốc tế và khu vực, thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh ở nước ta vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí. Theo so sánh của Ngân hàng Thế giới năm 2019, Việt Nam được xếp hạng thứ 106 trên 190 quốc gia và nền kinh tế về năng lực cạnh tranh xét trên chỉ số thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Một số thủ tục nêu trên không còn cần thiết. Vì vậy, xem xét, sửa đổi, cắt bỏ một số thủ tục không còn phù hợp là điều cần thiết đối với Việt Nam lúc này", ông Tuấn cho hay.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, sự ra đời của 2 luật này đã góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư thông qua những cải cách trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp.

Luật cũng đã giải phóng quyền tự do kinh doanh, tối đa hóa quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp đã góp phần tạo nên một môi trường kinh doanh thuận lợi có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Thể hiện số lượt doanh nghiệp đăng ký vốn tăng thêm đầy ấn tượng.

Năm 2018, trung bình mỗi tháng, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 7,8% so với năm 2017. Quy mô doanh nghiệp mới ngày càng lớn khi tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2018 đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2017. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2018 tư lực lượng doanh nghiệp đã tăng 22,8% so với năm 2017./.

Chung Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/can-sua-nhieu-quy-dinh-tai-luat-dau-tu-va-luat-doanh-nghiep-877849.vov