Cần sửa luật để ngăn 'ma men' lái xe

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, gần 40% các vụ tai nạn giao thông xảy ra do người điều khiển phương tiện có uống rượu bia.

Tại hội thảo quốc gia “Công bố kết quả Nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô tô, xe máy tại Việt Nam” do Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia tổ chức tại Hà Nội ngày 26-7, Tổ chức Y tế thế giới cho biết, ở Việt Nam có khoảng 36% người điều khiển xe máy bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép.

Còn theo Ủy ban ATGT quốc gia, gần 40% các vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra do người điều khiển phương tiện có uống rượu bia. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát ở 3 địa phương (TPHCM, Bình Dương, Hà Nội) trong 6 tháng. Từ phân tích số liệu, quan sát hành vi và phỏng vấn chuyên sâu, kết quả nghiên cứu cho thấy, các vụ TNGT do nam giới gây ra chiếm 80%-90%; tai nạn chủ yếu xảy ra vào buổi tối và cao hơn vào các ngày cuối tuần; xe máy gây ra 70%-90% số vụ. Tại các khu vực gần nhà hàng, quán nhậu, tỷ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm 68% (xe máy 62%, ô tô 6%). Khoảng 40% người đi nhậu ra về trong tình trạng bị say. Với những đối tượng này, tỷ lệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) rất cao, cụ thể: 36% không bật xi nhan khi sang đường, 26% đi ngược chiều và 17% không bật đèn xe. Thực nghiệm trên thiết bị mô phỏng lái xe máy còn cho thấy, khi nồng độ cồn trong máu 20mg/100ml thì nguy cơ TNGT cao gấp 3 lần, 50mg/100ml thì nguy cơ cao gấp 7 lần so với không uống.

Theo TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ATGT Việt Đức, với những tác hại của việc lái xe sau khi sử dụng rượu bia, cần thiết phải nghiên cứu sửa Nghị định 46 và Luật GTĐB giảm nồng độ cồn trong máu từ 50mg/100ml hiện nay xuống còn 0. Bên cạnh đó, cần tăng mức xử phạt và bổ sung hình thức phạt, xử lý hình sự đối với những lái xe có nồng độ cồn trong máu cao kể cả khi chưa gây hậu quả, áp dụng các hình thức phạt mang tính giáo dưỡng như lao động công ích, tham gia điều tiết giao thông...

Thượng tá Lê Huy Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ATGT (Bộ Công an) cho rằng, việc cưỡng chế kiểm tra nồng độ cồn là hết sức cần thiết nhưng nó chỉ thực sự hiệu quả khi được thực hiện nghiêm, nghĩa là mọi lái xe bị dừng phải được kiểm tra, không có ngoại lệ. Bên cạnh đó, việc cưỡng chế phải được duy trì lâu dài. Thượng tá Lê Huy Trí cũng cho rằng, TPHCM là địa phương xử lý vi phạm nồng độ cồn tốt, số vụ tai nạn liên quan đến nồng độ cồn đang giảm dần qua các năm, nhờ việc lập chốt theo mô hình quốc tế, tuần tra lưu động kết hợp với thực hiện các chuyên đề.

BÍCH QUYÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/can-sua-luat-de-ngan-ma-men-lai-xe-607201.html