Cần sửa đổi thêm điều kiện xuất khẩu cá tra

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật là giải pháp để nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trong đó, một trong những dự thảo văn bản có ảnh hưởng lớn đến một ngành hàng trọng điểm của nước ta là dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện.

Cơ quan Hải quan đề nghị quy định rõ thời điểm kiểm tra điều kiện XK sản phẩm cá tra

Tại Quyết định 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải sửa đổi Nghị định 36/2014/NĐ-CP theo hướng đề xuất sửa đổi biện pháp quản lý để thay thế quy định hiện hành về xác nhận hợp đồng trước khi xuất khẩu cá tra nhằm giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Thời hạn yêu cầu hoàn thành là quý I-2016, song, đến nay dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 36/2014/NĐ-CP vẫn đang được xây dựng.

Theo ông Ngô Minh Hải- Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), các nội dung của dự thảo Nghị định đã có những thay đổi để đẩy mạnh cải cách, tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp. Trong đó, nội dung liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được tiếp thu theo hướng bãi bỏ quy định về đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra để giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp xuất khẩu. Quy định về giới hạn mạ băng và hàm lượng nước tối đa trong sản phẩm cá tra phi lê cũng được tháo gỡ. Tuy nhiên, ông Ngô Minh Hải cho rằng, bên cạnh quan điểm đổi mới, cải cách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, dự thảo Nghị định cần chỉnh sửa một số quy định về điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá tra, tránh phát sinh thêm gánh nặng cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo đó, trong bản kiến nghị gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan đề nghị quy định rõ thời điểm các doanh nghiệp phải nộp các giấy tờ cho cơ quan Hải quan khi làm thủ tục xuất khẩu. Cụ thể, tại Điều 8 Dự thảo Nghị định về điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá tra quy định: “1. Có cơ sở chế biến cá tra đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 6 Nghị định này, phải đáp ứng một trong hai điều kiện sau: Có hợp đồng mua sản phẩm cá tra được chế biến tại cơ sở chế biến đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 6 Nghị định này; có hợp đồng gia công, chế biến với chủ sở hữu cơ sở chế biến cá tra đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 6 Nghị định này.

2. Sản phẩm cá tra xuất khẩu phải đáp ứng các quy định tại Điều 7 Nghị định này và của quốc gia nhập khẩu. Trường hợp quốc gia nhập khẩu có quy định khác với quy định của pháp luật Việt Nam thì áp dụng theo quy định của quốc gia nhập khẩu”.

Tổng cục Hải quan cho rằng, theo quy định này thì khi làm thủ tục xuất khẩu cá tra, tùy từng trường hợp doanh nghiệp phải xuất trình cho cơ quan Hải quan kiểm tra các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh cơ sở đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 6 Nghị định này: Giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh, giấy chứng nhận đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong chế biến thủy sản, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Hợp đồng mua bán sản phẩm cá tra với cơ sở có các giấy tờ nêu trên và các giấy tờ đó; Hợp đồng gia công chế biến với chủ sở hữu cơ sở chế biến có các giấy tờ nêu trên và các giấy tờ đó; Giấy tờ chứng minh nguồn gốc cá tra được nuôi từ cơ sở nuôi cá tra đáp ứng quy định tại Điều 4 và khoản 2 Điều 13 Nghị định này; Giấy chứng nhận đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng, an toàn thực phẩm của Việt Nam.

Tại Điều 8 dự thảo Nghị định này chưa nêu rõ thời điểm kiểm tra các điều kiện xuất khẩu cá tra, do đó để đảm bảo sản phẩm cá tra xuất khẩu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều này, cơ quan Hải quan chỉ xác nhận thông quan hàng hóa khi doanh nghiệp cung cấp đầy đủ các giấy tờ nêu trên. Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như cơ quan Hải quan thực hiện khi làm thủ tục xuất khẩu cá tra, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định rõ tại Điều này việc kiểm tra điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá tra được thực hiện tại thời điểm nào.

Trường hợp giao cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra trước thông quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể các hồ sơ giấy tờ (bản chính hay bản sao) doanh nghiệp phải xuất trình cho cơ quan Hải quan, đồng thời quy định doanh nghiệp phải làm thủ tục đăng ký trước để không phải xuất trình mỗi khi xuất khẩu hoặc đăng ký thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Trường hợp việc kiểm tra xác nhận các điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá tra được thực hiện trong quá trình kiểm tra sau thông quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định rõ “khi làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm cá tra, doanh nghiệp không phải xuất trình cho cơ quan Hải quan các chứng từ chứng minh việc đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 8 dự thảo Nghị định này”. Đồng thời, quy định trách nhiệm của cơ quan Hải quan khi làm thủ tục xuất khẩu cho doanh nghiệp cũng như cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra sau thông quan đối với việc thực hiện điều kiện này.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định rõ đối tượng áp dụng tại dự thảo Nghị định. Theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam thì sản phẩm cá tra bao gồm rất nhiều loại (cá tra fillet, dầu cá, bột cá, vây cá, dầu diesel từ mỡ cá…) được phân loại vào các nhóm hàng hóa có mã HS khác nhau. Do đó để tạo thuận lợi cho các cơ quan liên quan thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quy định rõ “sản phẩm cá tra” chịu sự điều chỉnh của Nghị định này gồm các loại sản phẩm nào, mã HS nào?

Ngọc Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/can-sua-doi-them-dieu-kien-xuat-khau-ca-tra.aspx