Cần sửa đổi cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội

Đây là một trong những kiến nghị của Bộ Tài chính với Đoàn công tác của Bộ Tư pháp tại buổi kiểm tra tình hình tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủ đô.

Hà Nội cần cơ chế đặc thù để phát triển. Ảnh minh họa

Báo cáo về tình hình tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủ đô, bà Nguyễn Thị Việt Anh (Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy định cơ chế đặc thù của Thủ đô Hà Nội, đến nay đã cơ bản đầy đủ, đồng bộ. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của Thủ đô, một số cơ chế, chính sách cần tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp.

Vì vậy, Bộ Tài chính đã xây dựng và hiện đang xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội nhằm tăng cường, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, thi hành Luật Thủ đô…

Chẳng hạn, Dự thảo Nghị định đề xuất mức dư nợ vay (bao gồm vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật) của ngân sách TP không vượt quá 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.

Thu ngân sách địa phương được xác định trên cơ sở dự toán thu ngân sách TP được Quốc hội quyết định của năm dự toán. Tổng mức vay và bội chi ngân sách TP hàng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Theo Nghị định 63, mức dư nợ vay của TP Hà Nội không quá 70% thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp. Vì vậy, việc quy định tăng giới hạn mức dư nợ vay bảo đảm cho TP Hà Nội có thêm dư địa được vay và phù hợp với bối cảnh thực hiện đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước, thay vì cấp phát như hiện nay.

Bộ Tài chính cũng báo cáo Đoàn công tác về kết quả theo dõi tình hình thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015; kiểm tra tình hình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch 1141-KH/BCSĐCP.

Theo đó, nêu bật những kết quả đạt được trong theo dõi tình hình thi hành Luật Ban hành VBQPPL liên quan đến từng nội dung cụ thể như công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện theo dõi tình hình thi hành Luật; tình hình thi hành Luật (tình hình tổ chức triển khai thi hành Luật, tình hình bảo đảm điều kiện cho thi hành Luật, tình hình tuân thủ quy định của Luật).

Trong đó, Bộ Tài chính đã bố trí và đảm bảo các điều kiện về vật chất, kinh phí, nguồn nhân lực để tổ chức thi hành Luật một cách kịp thời, đầy đủ theo đúng quy định. Đồng thời, lãnh đạo Bộ Tài chính luôn tạo điều kiện cho cán bộ, công chức tham gia học tập, nghiên cứu nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu xây dựng văn bản theo quy định.

Việc quản lý, sử dụng biên chế công chức của Bộ Tài chính được thực hiện chặt chẽ, tập trung, thống nhất, trong đó ưu tiên cho các đơn vị hoạch định, xây dựng chính sách.

Ngoài ra, bà Việt Anh đã chia sẻ rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Ban hành VBQPPL tại Bộ Tài chính. Cụ thể, về kiểm soát thủ tục hành chính trong VBQPPL, mặc dù đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định của Luật trong tham gia ý kiến và thẩm định đối với thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo VBQPPL nhưng Bộ Tài chính còn có những vấn đề chưa rõ trong quá trình áp dụng nên gặp nhiều vướng mắc, đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu bổ sung, làm rõ.

Chẳng hạn, có những trường hợp không phải quy định mới mà chỉ là hướng dẫn cụ thể hơn văn bản cấp trên quy định thủ tục hành chính/ một số yếu tố của thủ tục hành chính trong thông tư của bộ, cơ quan ngang bộ; việc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một phần quy định về thủ tục hành chính trong các thông tư của bộ, cơ quan ngang bộ được ban hành trước ngày Luật có hiệu lực…

Về lồng ghép giới trong VBQPPL, Bộ Tài chính cho hay, các chính sách tài chính hầu hết đều trung tính về giới. Việc nhận diện được vấn đề giới đòi hỏi chuyên gia giới phải có kinh nghiệm cũng như sự nhạy bén về giới trong quá trình nhận diện.

Tuy nhiên, các chuyên gia xây dựng chính sách mà chưa được bồi dưỡng kiến thức về giới hoặc không có nhiều kinh nghiệm thì có thể sẽ hạn chế trong việc đánh giá đúng, đầy đủ tầm quan trọng vấn đề về giới mà chỉ tập trung vào việc xây dựng chính sách nói chung.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Tài chính đưa ra nhiều kiến nghị với Đoàn công tác như cần bổ sung lập đề nghị xây dựng văn bản ngưng hiệu lực (nếu có phải lập) và mẫu văn bản ngưng hiệu lực; bổ sung cấp có thẩm quyền cho phép ban hành VBQPPL để nội luật hóa các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; bổ sung quy trình, thủ tục rút gọn đối với việc xây dựng thông tư của các bộ, cơ quan ngang bộ; làm rõ sự phân công rành mạch và hợp lý giữa các cơ quan (đơn vị chủ trì, đơn vị tham gia) trong quá trình soạn thảo. Không những thế, Bộ này cũng đề nghị bổ sung quy định trường hợp nào là văn bản sửa đổi, bổ sung, trường hợp nào là văn bản thay thế; hướng dẫn rõ trách nhiệm pháp lý tại khoản 4 Điều 156 của Luật…

H.Thư

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/can-sua-doi-co-che-dac-thu-cho-thu-do-ha-noi-424423.html