Cần sự xử lý nghiêm minh sau khi rừng bị… phá nát

Quảng Bình đang xôn xao chuyện hàng loạt cán bộ bị xử lý liên quan đến việc một lượng lớn diện tích rừng bị phá nát, phát hiện gần 100 khối gỗ chưa kịp tuồn ra khỏi rừng. Tuy nhiên, người dân cần sự xử lý nghiêm minh hơn nữa đối với lãnh đạo địa phương.

Lực lượng chức năng kiểm đếm số gỗ tại hiện trường.

Gần đây nhất, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Quảng Bình đã kỷ luật “khiển trách” ông Mai Song Toàn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Ba Đồn, nguyên Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 2 thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh.

Còn nhớ, tháng 3.2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã có Quy định số 01-QĐ/TU về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trong phần xử lý trách nhiệm đã nêu rõ “người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu thiếu tinh thần trách nhiệm làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ và uy tín, danh dự của cơ quan, địa phương, đơn vị; để xảy ra sai sót, khuyết điểm, tùy theo mức độ gây hậu quả, sẽ bị xử lý kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự, dân sự theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước”.

Quy định đã tạo sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân và xử lý nhiều trường hợp lãnh đạo như trường hợp Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Hữu Niên, ông Phan Xuân Vinh - Phó BQL Khu kinh tế tỉnh, ông Phan Ngọc Duy - Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch…

Trở lại chuyện phá rừng, UBKT Tỉnh ủy Quảng Bình đã kỷ luật “khiển trách” ông Cao Xuân Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa; UBND huyện Tuyên Hóa bị kiểm điểm tập thể; 2 cán bộ BQL Rừng phòng hộ huyện bị cách chức, 6 cán bộ bị cảnh cáo; cách chức ông Cao Huy Lương - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Ka Tang (Hạt Kiểm lâm huyện); cảnh cáo ông Hồ Ngọc Danh - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện; khiển trách ông Trương Khánh Bằng - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện; hạ bậc lương ông Nguyễn Hữu Chiến - Phó trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Ka Tang và ông Cao Thanh Biên - kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm huyện.

Trước thực tế trên, người dân cần sự xử lý nghiêm minh đối với Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa theo quy định 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình.

Xin nhắc lại, vào đầu năm 2018, lực lượng liên ngành đã phát hiện 429 hộp gỗ thuộc nhóm 2 đến nhóm 6 với khối lượng gần 97m3 được tập kết tại khu vực khe Hà Vầy (xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa) chưa kịp mang ra khỏi cửa rừng – đây là khu vực rừng phòng hộ lớn nhất từ trước đến nay tại Quảng Bình. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang đã khẳng định, đây là vụ việc vi phạm nghiêm trọng về luật quản lý, bảo vệ rừng.

Nếu không xử lý nghiêm, cứ xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” thì rừng sẽ tiếp tục bị tàn phá và sẽ có rất nhiều “bài học sâu sắc” nữa được rút ra, khi đó thì rừng sẽ không còn nữa.

LÊ PHI LONG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/ban-doc/can-su-xu-ly-nghiem-minh-sau-khi-rung-bi-pha-nat-616379.ldo