Cần sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành

Chảy qua địa bàn Hà Nội có khoảng 500km đường sông. Ngoài việc phát triển hạ tầng giao thông đường thủy, những con sông còn cung cấp nguồn tài nguyên, góp phần tạo môi trường, cảnh quan, gắn liền với đời sống dân sinh của người dân Thủ đô. Vì vậy, giữ gìn sự bình yên của những tuyến sông là yêu cầu quan trọng, cần sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành.

Thời gian qua, an ninh, an toàn trên các tuyến đường sông có những biểu hiện phức tạp. Đặc biệt, tối 11-11 vừa qua, Công an thành phố (CATP) khởi tố, bắt giam Phạm Thị Nguyệt Nga, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anh Tùng về hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”.

Cơ quan công an đọc lệnh bắt giam đối tượng Phạm Thị Nguyệt Nga vì tổ chức khai thác cát trái phép trên sông Hồng.

Nhưng câu chuyện trộm cắp tài nguyên mới chỉ là một phần nhỏ của vấn đề an ninh, an toàn giao thông trên đường sông. Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, qua kiểm tra hàng trăm bến bãi trên các tuyến sông, CATP phát hiện nhiều bến bãi tập kết, kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động tự phát, nằm sát cơ đê, làm ảnh hưởng đến dòng chảy và đê điều trong mùa mưa lũ. Việc vận chuyển, kinh doanh vật liệu thường phải sử dụng ô tô có trọng tải lớn, chạy trên mặt đê gây hư hỏng, mất an toàn cho thân đê và gây bụi bẩn, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Hệ lụy của các hành vi vi phạm pháp luật trên sông là tài nguyên cạn kiệt, môi trường bị tàn phá, Nhà nước thất thu thuế, còn đời sống người dân bị đe dọa. Sâu xa hơn, niềm tin của người dân đối với hiệu lực của các cơ quan quản lý, thực thi pháp luật giảm sút. Đã có ý kiến bày tỏ lo ngại, nếu an ninh trên sông không được giải quyết thì điều tiếp đến sẽ là sự hoạt động ngang nhiên của các băng, ổ nhóm nguy hiểm làm ảnh hưởng đến an ninh nông thôn.

Trước thực trạng nêu trên, CATP Hà Nội đã triển khai nhiều kế hoạch tổng kiểm tra, tập trung xử lý các điểm, tụ điểm phức tạp vi phạm. Đại tá Đào Thanh Hải cho biết, từ ngày 16-11-2015 đến 15-10-2016, các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã có đường sông đã phát hiện kiểm tra và bắt giữ 146 vụ việc, 171 đối tượng liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên, cát, sỏi lòng sông trái phép và đã xử phạt hành chính gần 3 tỷ đồng, tạm giữ 180 phương tiện và tịch thu 4 tàu thuyền. CATP cũng đã xóa bỏ 11 bến bãi trái phép, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý 46 trường hợp, xử phạt gần 100 triệu đồng…

Nhưng chỉ sự nỗ lực của lực lượng công an thôi chưa đủ, bởi có một thực tế công tác quản lý, giám sát chưa chặt chẽ, buông lỏng, thậm chí có biểu hiện tiêu cực, “chống lưng”. Điều đó dẫn đến việc vi phạm trong khai thác cát, sỏi trên sông diễn ra khá phổ biến dưới các hình thức như lợi dụng giấy phép để khai thác vượt ra khỏi phạm vi khu vực được cấp phép, khai thác vượt công suất, trữ lượng.

Về vấn đề bến bãi tập kết vật liệu, nhiều điểm hoạt động trái phép ngang nhiên hoặc được chính quyền cơ sở ưu ái ký hợp đồng thuê đất dài hạn. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế, bị động do những kẽ hở trong pháp luật cũng như cơ chế.

Để giải quyết bền vững vấn đề an ninh, an toàn giao thông trên đường sông và khu vực dân cư nông thôn hai bên bờ sông đòi hỏi sự quyết liệt, trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Gần đây nhất (ngày 11-11), CATP Hà Nội và 8 tỉnh lân cận thể hiện quyết tâm bằng việc ký kết phối hợp trong tấn công tội phạm, vi phạm trên tuyến đường sông. Cơ quan công an các tỉnh, thành cam kết hỗ trợ nhau hết mức, đồng thời sẵn sàng tiếp nhận thông tin tố giác từ người dân để phát hiện và xử lý vi phạm…

Song, chỉ quyết tâm của công an vẫn chưa đủ, vì công tác quản lý, khai thác các lợi thế của đường sông gồm nhiều cấp, ngành. Vì vậy, cần thiết phải có một chuyên đề sâu và đồng bộ để tất cả các cơ quan liên quan có trách nhiệm vào cuộc.

Thành Tâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/855140/can-su-vao-cuoc-cua-nhieu-cap-nganh